Nghiên cứu,vừa được công bố trên tạp chí của Hiệp hội vì sự tiến bộ khoa học Mỹ, tập trung vào phần não bộ của chuột cái.
Vào cuối thai kỳ, hormone estrogen và progesterone được giải phóng. Cả hai hormone đều ảnh hưởng đến vùng dưới đồi của não, liên quan đến việc nuôi dạy con cái. Estrogen làm cho tế bào thần kinh ở đó nhạy cảm hơn và progesterone xây dựng các khớp thần kinh mới tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động ở vùng não đó.
Các nhà khoa học nhận thấy hoạt động này khiến những con chuột mẹ quan tâm và chú ý hơn đến con của chúng.
Ông Jonny Kohl, nhà nghiên cứu đứng đầu cuộc nghiên cứu cho biết những điều này gây ra thay đổi về mức độ ưu tiên. Bản năng làm mẹ của chuột cái trỗi dậy để đảm bảo khả năng sống sót cho con. Điều thú vị là sự biến chuyển trên không xảy ra khi chúng sinh con. Trên thực tế, bộ não đã chuẩn bị sớm hơn cho những bước thay đổi lớn lao đó từ giai đoạn mang thai.
“Chúng tôi biết cơ thể phái nữ đã thay đổi khi mang thai để chuẩn bị cho quá trình nuôi con nhỏ. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sự chuẩn bị trước như vậy cũng diễn ra ở bộ não”, nhà nghiên cứu Kohl lưu ý.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy những thay đổi trong não đã giúp thay đổi hành vi sau khi sinh, cũng như tạo ra “tính linh hoạt" cho phép các bà mẹ học hỏi những kỹ năng mới hiệu quả hơn thông qua quá trình chăm sóc lặp đi lặp lại. Phát hiện này có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tìm hiểu sức khỏe tinh thần của sản phụ, cũng như điều trị các tình trạng như trầm cảm sau sinh.
Nghiên cứu đã góp phần củng cố các dữ liệu ngày càng tăng về những thay đổi sinh học diễn ra trong quá trình làm cha mẹ đối với cả đàn ông và phụ nữ. Một nghiên cứu năm 2022 chỉ ra rằng cũng phát triển “tính linh hoạt” trong não thông qua quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh.
Điều thú vị là những người bố được nghỉ lâu hơn để chăm sóc con mới sinh sẽ có những thay đổi rõ rệt hơn tại các vùng não liên quan đến việc nuôi dạy con cái.