Các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu hàng hải và Nam Cực (IMAS) tại Tasmania và CSIRO, cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Chính phủ Australia, đã tiến hành nghiên cứu xác của 1.733 con chim biển thuộc 51 loài khác nhau. Họ phát hiện thấy cứ trong 3 con chim biển có 1 con nuốt vào bụng một số rác thải nhựa trong đại dương.
Trưởng nhóm nghiên cứu, bà Lauren Roman nói: "Thế giới đã buộc phải thừa nhận rác thải nhựa là nguy cơ đe dọa sự sống của các loài sinh vật biển. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa số lượng hoặc loại rác thải mà một con chim ăn phải và tỷ lệ chúng chết vẫn chưa được nhìn nhận thấu đáo. Trong số những con chim chúng tôi nghiên cứu, nguyên nhân hàng đầu gây nên cái chết của chúng là do tắc đường ruột, gây viêm nhiễm hoặc các biến chứng khác".
Theo bà Roman, mặc dù rác thải nhựa mềm chỉ chiếm 5% lượng rác thải mà chim biển nuốt vào, song lại là thủ phạm gây ra hơn 40% trường hợp tử vong ở các loài này.
Dựa trên một nghiên cứu tương tự về loài rùa ăn phải rác thải nhựa, nghiên cứu cũng phát hiện thấy các mảnh bóng bay vỡ là rác thải trong biển có thể gây ra số trường hợp chết nhiều nhất ở loài chim biển. Cụ thể, cứ trong 5 con chim nuốt phải loại rác thải này, có 1 con bị chết.
Chuyên gia Roman nhấn mạnh các mảnh nhựa cứng sẽ nhanh chóng được đào thải ra ngoài qua đường ruột, song các vật liệu nhựa mềm có thể đóng kết lại và gây tắc nghẽn khiến con chim bị chết. Theo bà, để ngăn chặn tình trạng chim biển chết do nuốt phải rác thải nhựa, con người cần giảm hoặc dọn sạch rác thải ra đại dương, nhất là mảnh bóng bay vỡ.