Mỹ chuẩn bị thử nghiệm vaccine Ebola trên người

Ngày 28/8, Chính phủ Mỹ thông báo thử nghiệm vaccine Ebola đầu tiên trên người sẽ được tiến hành vào tuần tới, trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm đã cướp đi hơn 1.500 sinh mạng ở Tây Phi này.

Nhân viên y tế chăm sóc các bệnh nhân Ebola tại bệnh viện Pita ở Guinea. AFP/TTXVN


Trong một tuyên bố, Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) cho biết, loại vaccine này do Viện Quốc gia về các bệnh dị ứng và bệnh lây (NIAID) của NIH phối hợp với hãng dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK) của Anh phát triển, có tên gọi NIAID/GSK. Vaccine dựa trên virus gây bệnh đường hô hấp ở tinh tinh loại 3, trong đó các cá thể virus được làm lạnh sẽ mang những đoạn di truyền từ virus Ebola đến tế bào người, nhưng không tiếp tục sao chép mà làm tế bào sản sinh một protein. Protein đó sẽ kích thích phản ứng miễn dịch trong cơ thể của người nhận vaccine.

NIH và GSK đều khẳng định, đoạn di truyền Ebola mà vaccine thử nghiệm mang theo không làm người được tiêm vaccine đó nhiễm Ebola.

Quy trình phát triển lâm sàng của một vaccine chia làm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 sẽ xác định mức độ an toàn cũng như khả năng kích thích một phản ứng miễn dịch vừa đủ. Số lượng tình nguyện viên được tiêm thử vaccine sẽ tăng lên trong giai đoạn 2, sau đó giai đoạn 3 sẽ xác định khả năng ngăn chặn sự lây nhiễm hoặc chống lại bệnh của vaccine đó.

Giai đoạn 1 của thí nghiệm vaccine NIAID/GSK diễn ra ở trung tâm điều trị của NIH tại thị trấn Bethesda thuộc bang Maryland (Mỹ), trên 20 tình nguyện viên người trưởng thành khỏe mạnh ở độ tuổi 18 - 50, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2014. NIH và GSK đồng thời sẽ thử vaccine này trên một số tình nguyện viên ở Anh cũng như các nước Gambia và Mali thuộc Tây Phi. GSK đã cam kết đầu tư 4,6 triệu USD cho giai đoạn này và sẽ bắt đầu sản xuất tới 10.000 liều vaccine bổ sung để có thể cung cấp tức thời cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nếu thí nhiệm thành công.

Tốc độ thử nghiệm vaccine Ebola đã được đẩy nhanh trong thời gian qua do lo ngại sự lây lan nhanh chóng của chủng virus chết người này. WHO cho biết đã có ít nhất 1.552 người được xác nhận tử vong do nhiễm virus Ebola kể từ đầu đợt bùng phát dịch tới nay, đồng thời cảnh báo số người nhiễm có thể lên tới 20.000 người và công tác phòng chống căn bệnh này có thể sẽ tiêu tốn của thế giới ít nhất 490 triệu USD.

Cũng trong ngày 28/8, các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard (Mỹ) công bố kết quả nghiên cứu gene trên 78 trường hợp nhiễm Ebola đầu tiên ở Sierra Leone, trong đó chỉ ra hơn 300 thay đổi về gene khi virus Ebola lây lan từ người sang người. Các thay đổi diễn ra trong glycoprotein, một protein bề mặt liên kết virus với tế bào người và giúp chúng bắt đầu sao chép trong cơ thể người chủ.

Nhóm nghiên cứu cảnh báo virus Ebola đang biến đổi nhanh chóng với tốc độ trên người nhanh gấp đôi trên động vật, do đó có thể ảnh hưởng tới các chẩn đoán bệnh Ebola hiện nay cũng như các loại vaccine và phương án điều trị trong tương lai. Hiện WHO chưa đưa ra bình luận nào về phát hiện mới này.


TTG
Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN