Mực nước biển toàn cầu đang dâng cao và trong vòng 100-200 năm tới, thế giới sẽ không thể tránh khỏi đối mặt với tình trạng nước biển tăng thêm tới 1m. Điều này đồng nghĩa với một số khu vực địa hình thấp như bang Florida của Mỹ hay các thành phố như thủ đô Singapore và Tokyo (Nhật Bản) sẽ đối mặt với nguy cơ biến mất hoàn toàn.Trả lời báo giới ngày 26/8 liên quan tới những dữ liệu vệ tinh mới nhất về biến đổi khí hậu, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết dựa trên các tính toán về mức độ ấm lên toàn cầu, các chuyên gia tin rằng mức tăng tối thiểu 1m đối với các đại dương trên toàn cầu là không thể tránh khỏi xét đến thời điểm này. Theo Steve Narem, người đứng đầu nhóm nghiên cứu về mực nước biển dâng của NASA, nhiều khả năng tình hình sẽ diễn biến xấu trong tương lai.
Michael Freilich, chủ nhiệm Khoa Khoa học Trái Đất của NASA, nhận định mực nước biển dâng cao sẽ "tác động sâu sắc" tới toàn thế giới. Theo dự báo, hiện có khoảng 150 triệu người, phần lớn tại châu Á, hiện đang sống trong khu vực có nguy cơ nước biển dâng cao thêm 1m.
Cảnh báo của NASA dựa trên dữ liệu gửi về từ nhiều dụng cụ đo độ cao mặt nước biển trên không gian. Cụ thể, nước tại các đại dương trên thế giới đã dâng trung bình gần 7,6 cm từ năm 1992, một số nơi thậm chí tăng 23 cm. Nguyên nhân chủ yếu do là băng tan - một yếu tố mà các nhà khoa học cho rằng rất khó để dự đoán.
Băng tại Greenland và Nam Cực đang tan nhanh hơn bao giờ hết, trong đó các nhà khoa học đặc biệt quan ngại về tình trạng băng tại Greenland. Hiện băng tại khu vực này đang tan chảy với tốc độ trung bình 303 gigaton băng/năm (1 gigaton = 1 tỷ tấn) trong thập kỷ qua. Trong khi đó, băng tại Nam Cực đang biến mất với tốc độ trung bình 118 gigaton/năm.
Phân tích dữ liệu thời tiết trong lịch sử cho thấy mực nước biển có thể dâng cao tối đa tới 3 m trong 1-2 thế kỷ nếu băng tan đạt tốc độ cao. Các nhà khoa học cảnh báo con người cần sớm có chuẩn bị trong bối cảnh băng đang tan nhanh hơn các tính toán của giới chuyên gia.