Kỷ lục được thiết lập ở đỉnh của quỹ đạo xa của Mặt Trăng khi tàu vũ trụ Orion đi vào quỹ đạo này.
Theo đài Sputnik, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ NASA cho biết tàu vũ trụ Orion ngày 28/11 ở khoảng cách xa 432.195 km so với Trái đất, và cách gần 65.000 km bên ngoài quỹ đạo của Mặt Trăng. Từ khoảng cách này, máy ảnh của tàu vũ trụ Orion đã chụp được hình ảnh chưa từng thấy Mặt Trăng che khuất Trái đất. Bức ảnh được nhiều người liên tưởng tới “chấm xanh nhạt” nổi tiếng được tàu thăm dò Voyager 1 khi đi qua quỹ đạo của Sao Hải Vương vào tháng 2/1990.
Khoảng cách gần một nửa triệu kilomet không phải là khoảng cách xa nhất mà một tàu vũ trụ do con người chế tạo đã đi được. Trước đây, nhiều tàu thăm dò đã đến được các hành tinh trong Hệ Mặt trời. Thậm chí, các tàu thăm dò Voyager đã hoàn toàn rời khỏi Hệ Mặt trời và đi vào không gian giữa các vì sao. Tuy nhiên, đây là khoảng cách xa nhất mà tàu vũ trụ dự định chở con người đạt được tính đến thời điểm hiện nay.
Hiện trong sứ mệnh Artemis 1, tàu vũ trụ Orion chỉ mang theo 3 ma-nơ-canh để xem lực tương tác đối với cơ thể người trong không gian cũng như thực hiện một số thí nghiệm khoa học. Sứ mệnh Artemis 1 nhằm kiểm tra khả năng của tên lửa Hệ thống Phóng Không gian và tàu vũ trụ Orion khi chúng hoạt động trong không gian, bao gồm việc quay trở lại bầu khí quyển Trái đất. Dự kiến, tàu vũ trụ Orion sẽ quay trở lại Trái đất vào ngày 11/12.
Con người chưa rời khỏi quỹ đạo thấp của Trái đất kể từ tháng 12/1972, khi tàu vũ trụ Apollo chở hai phi hành gia lên Mặt Trăng và quay trở lại.
Với những sứ mệnh sắp tới, thế giới tham vọng kéo dài khoảng thời gian con người ở trên Mặt Trăng. Nổi bật trong số các quốc gia là Mỹ và Trung Quốc đã vạch ra kế hoạch bắt đầu xây dựng một căn cứ lâu dài trên Mặt Trăng trong vài năm tới, nhằm phục vụ như một cơ sở hoạt động khám phá vệ tinh tự nhiên này cũng như phần còn lại của Hệ Mặt trời.