Theo trang The Guardian (Anh), trước đây, các nhà tâm lý học không thể tìm ra mối liên hệ giữa những hiện tượng có thể gây căng thẳng - chẳng hạn động đất hoặc bão đối với sự thay đổi tính cách của con người. Tuy nhiên, những mất mát mà con người đã trải qua, hoặc đơn thuần chỉ là sự cô lập với xã hội kéo dài dường như đã tạo ra tác động sâu sắc đến tính cách của chúng ta trong đại dịch COVID-19.
“Những người trẻ tuổi trở nên ủ rũ và dễ bị căng thẳng, không hợp tác, thiếu niềm tin, khả năng kiềm chế và tinh thần trách nhiệm cũng suy giảm”, Giáo sư Angelina Sutin tại Đại học Y khoa bang Florida, người dẫn đầu nghiên cứu, cho biết.
Bà Sutin và các đồng nghiệp đã đánh giá tính cách của 7.109 tình nguyện viên vào nhiều thời điểm khác nhau trước và trong đại dịchCOVID-19. Những người tham gia có độ tuổi từ 18 đến 109, thực hiện trung bình 3 bài kiểm tra tính cách để đánh giá 5 đặc điểm – gồm mức độ nhạy cảm, hướng ngoại, cởi mở, dễ chịu và tận tâm.
Kết quả nghiên cứu cho thấy trong giai đoạn đầu của đại dịch (từ tháng 3 đến tháng12/2020), tính cách của họ tương đối ổn định, chỉ suy giảm một chút về mức độ nhạy cảm so với trước đại dịch. Điều này có thể do COVID-19 đã trở thành lý do gây ra cảm giác lo lắng, khiến mọi người ít đổ lỗi cho bản thân hơn.
Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy mức độ nhạy cảm đó đã biến mất vào nửa sau đại dịch (2021-2022). Thay vào đó, con người không còn hướng ngoại, cởi mở, dễ chịu và tận tâm như trước đại dịch. Mức độ thay đổi này tương đương với mức độ dao động thường thấy qua một thập kỷ của đời người.
Trong đó, những người trẻ tuổi hơn có thay đổi tính cách lớn nhất và nhóm người lớn tuổi nhất không có thay đổi đáng kể. Theo các tác giả, tính cách của người trẻ có thể dễ thay đổi hơn và đại dịch cũng có thể có tác động tiêu cực hơn đến nhóm tuổi này hơn.
“Dù đại dịch gây căng thẳng cho mọi người, làm gián đoạn các hoạt động thông thường của lứa tuổi thanh niên, chẳng hạn như trường học và quá trình chuyển sang lực lượng lao động, hòa nhập xã hội và phát triển các mối quan hệ. Song đó chỉ là suy đoán vì chúng tôi không thể đo lường lý do dẫn đến thay đổi, nhưng gián đoạn đó tác động lớn đến giới trẻ, vì hoạt động này rất quan trọng đối với họ”, bà Sutin giải thích.
Giáo sư Wiebke Bleidorn, nhà tâm lý học tại Đại học Zurich, người không tham gia nghiên cứu, chia sẻ: “Thật thú vị khi thấy những tác động trung bình này, mặc dù thực tế là mọi người đã phải đối mặt với những hoàn cảnh khá khác biệt. Nếu không có những trải nghiệm thông thường này, con người sẽ phát triển trong trạng thái trì trệ”.