Theo đài Sputnik, ông David Pearson, Giáo sư nghiên cứu tại Trường Khoa học Đời sống tại Đại học bang Arizona (Mỹ) và ông Philip Fearnside, nhà sinh thái học tại Viện Nghiên cứu Quốc gia Amazonia (INPA) Brazil, nhận định ngành công nghiệp chăn nuôi lấy thịt của Brazil có tác động rất lớn đến các đám cháy rừng nhiệt đới Amazon.
Trang The Guardian dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia Brazil (INPE) cho biết các đám cháy rừng tại quốc gia này đã tăng 13% trong 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái.
“Chúng ta đã trải qua 2 tháng với nhiều vụ cháy rừng. Tình trạng đã tồi tệ hơn năm ngoái. Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến điều này”, Ane Alencar, Giám đốc khoa học của Viện nghiên cứu môi trường Amazon của Brazil, nói và cảnh báo rằng tình hình có thể tồi tệ hơn nếu hạn hán còn kéo dài.
Giáo sư Pearson cho rằng đại dịch COVID-19 cũng đã ảnh hưởng lớn đến việc bảo vệ rừng. Rất nhiều biện pháp và chính sách bảo vệ rừng đã bị phớt lờ hoặc thực sự giảm sút. Đặc biệt, ngày càng nhiều khu rừng đang được chuyển giao cho người dân tiếp quản, đặc biệt là người bản địa.
“Một điểm khác biệt lớn ở rừng nhiệt đới Amazon so với những gì chúng ta thường nghe ở Mỹ, Canada hay châu Âu, đó là những khu rừng này tạo ra 60%, 70%, 80%, thậm chí đến 95% lượng mưa mỗi năm. Tuy nhiên, khi càng nhiều khu rừng bị chặt phá và thu hẹp, thì lượng mưa ở địa phương càng ít, dẫn đến cháy rừng nhiều hơn. Đó là một vòng luẩn quẩn”, ông Pearson nói thêm.
Giáo sư Fearnside cũng cho biết nhiều khu vực của Amazon đã bị phá hủy đến nỗi rừng nhiệt đới đang đứng trước nguy cơ biến thành thảo nguyên, với hệ sinh thái trảng cỏ xen cây bụi.
Theo báo cáo của Mighty Earth, nhu cầu tiêu thụ thịt bò trong nước và quốc tế đang thúc đẩy việc mở rộng ngành chăn nuôi gia súc tại các khu rừng Amazon. Số trại chăn nuôi gia súc tại đây đã tăng gần 200% từ năm 1993 đến năm 2013. Phần lớn các vụ phá rừng trong khu vực đều do các chủ trang trại chăn nuôi đốt nhiều diện tích rừng nhiệt đới để làm đồng cỏ.
“Áp lực kinh tế đối với việc chăn nuôi gia súc có lẽ là một trong những yếu tố lớn nhất thúc đẩy việc phá rừng nhằm tạo ra những đồng cỏ và khu vực có thể chăn nuôi gia súc”, ông Pearson giải thích và gọi ngành chăn nuôi bò của Brazil là “sức mạnh giúp tăng trưởng kinh tế thông qua việc phát quang các khu rừng".
Ô ng Pearson cho rằng Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng có trách nhiệm trong việc này, bởi nhu cầu về thịt bò của họ đang thúc đẩy nền kinh tế Brazil. Vì vậy, việc tiêu thụ thịt cũng ảnh hưởng trực tiếp đến các khu rừng.