Người ta có thể sử dụng nụ hôn để bày tỏ tình yêu, sự đam mê, trìu mến, sự chào hỏi, lòng tôn kính, tình bạn, chúc may mắn và nhiều điều khác nữa.
Theo nghiên cứu của nhà khoa học Sheril Kirshenbaum, tác giả của cuốn sách "The Science of Kissing: What Our Lips Are Telling Us" (tạm dịch là "Khoa học về Nụ hôn: Đôi môi nói với ta điều gì", những nụ hôn đầu tiên của loài người đã xuất hiện từ cách đây 3.500 năm trong những bản thảo của Ấn Độ được ghi bằng ngôn ngữ Vedic Sanskrit.
Hiện chưa cho kết luận khoa học nào chỉ rõ nguyên nhân vì sao con người hôn nhau. Bà Kirshenbaum cho rằng nụ hôn có thể bắt nguồn từ việc các bà mẹ mớm thức ăn cho trẻ nhỏ. Áp lực và sự kích thích của đôi môi giúp sản sinh những hormon tạo cảm giác khoan khoái, dễ chịu như oxytocin, khiến người thực hiện có cảm giác yêu thương và gắn bó.
Theo nhà khoa học Sheril Kirshenbaum, trong thế giới các loài vật, chúng ta cũng có thể quan sát thấy những hành động tương tự, ví dụ như loài tinh tinh Bonobos cũng có khi hôn nhau lâu tới 12 phút liên tục, trong khi hươu cao cổ thể hiện nụ hôn bằng cách quấn cổ vào nhau, hay loài cá cũng rất hay tranh thủ... chạm môi.
Trong Ngày quốc tế Nụ hôn 6/7 vừa qua, nhiều sự kiện đã được tổ chức, trong đó có những hoạt động dành cho các cặp yêu nhau và cả những hoạt động dành cho những người đang tìm kiếm những nụ hôn đầu.
Nhiều cuộc khảo sát đã được thực hiện nhân ngày này, và mang lại những kết quả khá thú vị, ví dụ như phụ nữ sẽ được hôn nhiều hơn nếu họ dùng son môi, đặc biệt là son màu đỏ; hầu hết những người độc thân đều cho rằng hôn nhau "chỉ cần 10 giây là đủ"; nếu nụ hôn đầu tồi tệ - mối quan hệ không thể tiến xa hơn; hay có tới 46% người độc thân được hỏi cho biết yếu tố quan trọng nhất của một nụ hôn là... kem đánh răng và nước súc miệng.
Một kết quả khảo sát cũng cho thấy 5% trong số người ở độ tuổi từ 45 trở lên ở nhiều nước trên thế giới "khóa môi" ít nhất 31 lần/tuần. Nếu không có cuộc thăm dò này, chắc hiếm ai nghĩ được rằng người có tuổi lại có thể vẫn còn "nồng thắm" đến vậy.
Tất nhiên, cuộc thăm dò dư luận trên không được thực hiện đối với các cộng đồng bộ lạc tại miền Nam châu Phi - nơi mà người dân cho rằng "hôn nhau là một hành động kinh tởm"; cũng như tại nhiều khu vực ở miền Đông châu Phi và miền Nam châu Mỹ - những nơi mà người ta còn chẳng biết hôn là gì. Ở một số cộng đồng khác như người Eskimo hay người Maori ở New Zealand, để thay thế nụ hôn, người ta thường cọ mũi vào nhau.