Nuôi vi tảo làm nhiên liệu

“Nuôi trồng vi tảo tạo nguồn sinh khối ứng dụng trong sản xuất nhiên liệu sinh học” là đề tài khoa học được Tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng nghiên cứu thành công. Loại vi tảo sử dụng trong nghiên cứu này là vi tảo Chlorella Vulgris.

 

Điểm mới trong đề tài này là vi tảo được nuôi trồng bằng nguồn nước thải giàu chất hữu cơ tại các cơ sở giết mổ, trang trại chăn nuôi hay tại các nhà máy sản xuất ethanol. Sản xuất nhiên liệu sinh học bằng cách nuôi trồng vi tảo từ nước thải hữu cơ vừa góp phần tìm ra nguồn năng lượng mới, vừa tiết kiệm chi phí cho việc xử lý nguồn nước thải gây ô nhiễm môi trường, đồng thời tìm kiếm giải pháp hạn chế phát thải nồng độ khí CO2 trong bầu khí quyển.


Qua các nghiên cứu, vi tảo được đánh giá là nguồn sinh khối cho hiệu suất thu dầu cao, trong quá trình canh tác vi tảo không chiếm dụng đất nông nghiệp, lại có khả năng thích ứng cao với nhiều loại môi trường, dễ nuôi trồng trong các môi trường nước ngọt, nước mặn, nước lợ đồng thời có khả năng hấp thụ khí CO2. Các loại nhiên liệu điều chế từ sinh khối vi tảo có thể là ethanol sinh học, methane sinh học, diesel sinh học, dầu sinh học, hydro sinh học.

 

Đây là những nhiên liệu thường được dùng trong sản xuất công nghiệp hoặc được điều chế thành xăng, dầu dùng trong các động cơ xe máy, ô tô. Quá trình sản xuất nhiên liệu sinh học từ dầu vi tảo còn tạo ra các phụ phẩm là bã rắn dùng để làm thức ăn chăn nuôi, làm phân bón, ủ để tạo thành khí biogas.


Với đề tài “Nghiên cứu mô hình nuôi trồng vi tảo tạo nguồn sinh khối ứng dụng trong sản xuất nhiên liệu sinh học”, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Xuân đã vinh dự được nhận giải học bổng khoa học quốc gia L’Oréal - Unesco “Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học” năm 2012. Sắp tới, đề tài sẽ được triển khai tại một số trang trại chăn nuôi của thành phố Đà Nẵng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN