Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Communications cho biết loài lươn trên với tên khoa học Electrophorus voltai có thể phóng dòng điện cao hơn 200 volt so với loài lươn mạnh nhất được biết đến cho tới nay là Electrophorus electricus.
Lươn điện hay còn gọi là cá chình điện được tìm thấy hơn 250 năm qua chủ yếu tại đầm lầy, sông suối vùng Amazon ở khu vực Nam Mỹ. Con trưởng thành dài tới 2,5m và nặng 20kg. Thông qua những phân tích di truyền và hệ sinh thái, các nhà nghiên cứu thuộc Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Smithsonian của Mỹ phát hiện lươn điện vùng Amazon thuộc về 3 loài khác nhau và tiến hóa từ cùng một loài chung từ cách đây hàng triệu năm.
Chuyên gia thuộc bảo tàng trên, Carlos David de Santana cho biết có khoảng 250 loài cá có khả năng tạo điện sống ở khu vực Nam Mỹ. Tất cả các loài này đều tạo luồng điện để giao tiếp hoặc định hướng, song lươn điện là giống duy nhất sử dụng điện năng để săn mồi và tự vệ. Việc tìm thấy Electrophorus voltai tại Amazon cho thấy sự phong phú, đa dạng sinh học, cũng như tầm quan trọng của việc bảo vệ nơi được coi là “lá phổi Xanh của hành tinh”.