Trưởng nhóm nghiên cứu trên, nhà thiên văn Rafael Luque, thuộc Viện Thiên văn học Tây Ban Nha, cho biết 3 hành tinh mới phát hiện có quỹ đạo ở khoảng cách 31 năm ánh sáng quay quanh Mặt Trời GJ 357, một khoảng cách tương đối gần trong không gian. Phát hiện trên cũng được Cơ quan Vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo, khi vệ tinh nhân tạo TESS nhìn thấy các hành tinh này.
Hành tinh xa nhất có tên là GJ 357d, có những đặc điểm mà các nhà nghiên cứu cho rằng con người có thể sinh sống được trên đó. Hai hành tinh còn lại dường như quá nóng.
Các dấu hiệu cho thấy sự sống có thể tồn tại trên một hành tinh gồm một địa hình đất đá, có kích cỡ tương đương với Trái Đất và ở quỹ đạo cách Mặt Trời của mình tương đương với khoảng cách Trái Đất đến Mặt Trời, điều kiện cho phép một nhiệt độ thích hợp để nước tồn tại ở dạng lỏng - nhân tố quan trọng cho sự sống.
Theo ông Luque, hành tinh GJ 357d có khoảng cách với Mặt Trời của mình tương đương khoảng cách từ Sao Hỏa tới Mặt Trời, nên dự đoán nhiệt độ tại đây là -53 độ C, tức là khá lạnh. Tuy nhiên, ông cho biết nếu hành tinh này có bầu khí quyển (khác với sao Hỏa) thì nó có thể hạn chế sức nóng từ Mặt Trời của mình và nước có thể tồn tại ở dạng lỏng. Các nhà nghiên cứu cũng ước tính GJ 357d có kích cỡ tương đương hoặc gấp đôi Trái Đất.
Đây không phải lần đầu tiên giới thiên văn phát hiện hành tinh nơi sự sống có thể tồn tại. Trước đó, vào năm 2016, phát hiện về hành tinh Proxima b, cách hệ Mặt Trời khoảng 4 năm ánh sáng, cũng đã gây sự chú ý. Hai hành tinh Proxima b và GJ357d được phát hiện bằng phương pháp gọi là vận tốc xuyên tâm (radial velocity). Tuy nhiên, chuyên gia Luque cho biết phương pháp này chưa đủ độ chính xác để khẳng định liệu hành tinh đó có thể là nơi con người sinh sống được hay không.