Kết quả nghiên cứu của các nhà thiên văn học Mỹ đăng tải trên tạp chí Nature ngày 18/7 cho biết họ đã rất kinh ngạc khi phát hiện một thiên hà dạng xoắn ốc hình thành gần 11 tỷ năm trước. Phát hiện này có thể khiến giới khoa học phải xem xét lại về quá trình hình thành các thiên hà.
Được đặt tên là BX442, cụm sao cổ này được các nhà khoa học phát hiện trong một cuộc khảo sát 300 thiên hà xa xôi bằng Kính viễn vọng không gian Hubble cực mạnh và Đài quan sát Keck ở Haoai, Mỹ (Hawaii). Nằm cách Trái đất 10, 7 tỉ năm ánh sáng, thiên hà này được hình thành khoảng 3 tỷ năm sau khi vũ trụ được sinh ra trong một vụ nổ siêu nhiệt có tên là Big Bang.
Ảnh minh họa: Internet |
Nhà khoa học Alice Shapley thuộc Đại học California Los Angeles chia sẻ: "Chúng tôi không nghĩ thiên hà này lại có hình mẫu tuyệt vời đến thế, vì đa số các thiên hà hình thành sao trong vũ trụ sơ khai thường có cấu trúc lổn nhổn và kỳ dị".
Gọi là thiên hà xoắn ốc vì BX442 có cấu trúc nhánh riêng biệt xoắn kiểu hình trôn ốc theo hướng ngược từ tâm ra đĩa thiên hà, trong mô hình giống chữ S tương tự Dải Ngân Hà của chúng ta.
Đây là lần đầu tiên giới khoa học quan sát được một thiên hà xoắn ốc hình thành sớm trong lịch sử với hình mẫu đẹp như vậy.
Trước đó, các thiên hà hình thành từ thời sơ khai vũ trụ mà giới khoa học quan sát được đều có dạng cấu trúc hỗn độn. Chính vì thế, việc phát hiện ra BX442 có thể giúp các nhà khoa học tìm ra mối liên hệ giữa các thiên hà hỗn loạn ban đầu và các thiên hà xoắn ốc mà chúng ta thấy ngày nay.
Phát hiện đặc biệt này cũng sẽ giúp các nhà thiên văn học hiểu rõ hơn về quá trình hình thành đầy bí ẩn của thiên hà trong vũ trụ bao la.
TTXVN/ Tin Tức