Theo Japan Times, trong một nghiên cứu xuất bản trên tạp chí khoa học Anh Nature Communications vào tháng 1, Giáo sư Matsuhiko Nishzawa tại Đại học Tokohu và các đồng nghiệp đã phát triển một miếng dán lăn kim vi điểm chạy bằng pin sinh học, cho phép vaccine thẩm thấu vào cơ thể người nhanh hơn các miếng dán lăn kim hiện nay.
“Trong tương lai, chúng tôi muốn mọi người có thể tự tiêm vaccine COVID-19 và các loại vaccine khác. Tôi đang cố gắng hết sức để công nghệ này có thể được ứng dụng trong tiêm vaccine COVID-19”, Giáo sư Nishizawa chia sẻ.
Các miếng dán lăn kim hiện nay được sử dụng trong các phương pháp điều trị chứng đau nửa đầu và giảm đau. Các miếng dán này chứa một liều thuốc giới hạn và được đưa vào cơ thể người qua việc thẩm thấu trên da.
Đội ngũ của Giáo sư Nishizawa đã nghiên cứu ứng dụng dùng nguồn năng lượng có điện thế thấp để thúc đẩy quá trình đưa thuốc vào cơ thể qua các mũi kim trên miếng dán nhanh hơn và với liều lượng nhiều hơn.
Dòng điện này sẽ được sinh ra từ một tế bào nhiên liệu sinh học – một công nghệ do chính nhóm nghiên cứu phát triển, có thể tạo ra điện bằng cách tổng hợp enzym.
Công nghệ trên có thể mất vài năm mới được chính phủ chấp nhận dùng trong tiêm vaccine, song Giáo sư Nishizawa hy vọng phương pháp này sẽ sớm được sử dụng, cho phép bệnh nhân tự điều trị tại nhà với một số loại thuốc nhất định.