Theo tạp chí "Science" của Mỹ số ra ngày 9/2, các nhà khoa học nước này vừa chế tạo ra một loại vật liệu mỏng có khả năng làm lạnh bề mặt các đồ vật, chống lại sức nóng của ánh sáng Mặt Trời mà không cần phải sử dụng năng lượng hoặc điều hòa nhiệt độ.
Vật liệu này được làm bằng polymer và thủy tinh, chỉ dày khoảng 50 micrômét, mỏng hơn lá nhôm và có chi phí sản xuất rẻ. Theo các nhà khoa học, vật liệu này có thể giữ lạnh cho các tòa nhà và những đồ vật khác, cũng như kéo dài tuổi thọ của các tấm pin Mặt Trời.
Ngoài ra, nó có thể giúp tiết kiệm năng lượng và chi phí cho các nhà máy nhiệt điện khi được sử dụng để làm lạnh máy móc.
Nghiên cứu cho thấy vật liệu trên làm giảm nhiệt độ các đồ vật bằng cách giải phóng năng lượng nhiệt của Mặt Trời dưới dạng bức xạ hồng ngoại. Vật liệu này cho thấy có thể làm lạnh đồ vật tương đương lượng điện năng tiêu thụ trong cùng một diện tích do các tấm pin Mặt Trời tạo ra và cơ chế làm lạnh của nó là liên tục cả ngày lẫn đêm.
Theo ông Xiaobo Yin, một trong những nhà khoa học tham gia nghiên cứu, vật liệu siêu mỏng nói trên có thể sẽ được chuyển đổi để phục vụ cho việc ứng dụng công nghệ làm lạnh bằng bức xạ trong cuộc sống. Vật liệu này phù hợp với những bề mặt cong và dễ sản xuất hàng loạt.