Theo cựu Chủ tịch Hội Y khoa sinh sản Mỹ (ASRM) - Tiến sĩ Richard Paulson phát biểu trong một cuộc họp thường niên tại San Antonio (Texas, Mỹ), không có lý do khoa học nào mà ngăn cản sự thành công của một cuộc cấy ghép tử cung vào một người phụ nữ chuyển giới.
“Bạn có thể làm điều đó ngay ngày mai. Chắc chắn sẽ có thách thức, nhưng tôi không thấy có vấn đề gì để loại trừ khả năng đó”, Tiến sĩ Paulson nhấn mạnh.
Tuy nhiên tiến sĩ Paulson cũng khẳng định mặc dù có thể cấy ghép tử cung vào cơ thể một người đàn ông, song việc sinh nở tự nhiên là không khả thi. Một phôi thai từ quá trình thụ tinh ống nghiệm sẽ được cấy ghép và khi đến thời kỳ sinh nở, các bác sĩ phải thực hiện ca đẻ mổ để đưa đứa bé ra ngoài.
Bên cạnh đó, các loại hormone đưa vào cơ thể bệnh nhân cũng phải được theo dõi nghiêm ngặt xem có sự thay đổi nào trong quá trình mang thai hay không.
Ca sinh con qua tử cung cấy ghép thành công đầu tiên trên thế giới xảy ra trong năm 2014, khi một người phụ nữ 36 tuổi bẩm sinh không có tử cung. Cô được nhận một tử cung hiến tặng từ một người bạn. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 8 đứa trẻ sinh ra qua phương pháp trên.
Cuộc họp thường niên của Hội Y khoa sinh sản Mỹ cũng nhấn mạnh sự thiếu hiểu biết về việc bảo tồn chức năng sinh sản của các bệnh nhân chuyển giới. Buổi họp nhấn mạnh có rất ít bệnh nhân chuyển giới nhận được phương pháp điều trị bảo tồn chức năng sinh sản trước khi tiến hành chuyển giới.
Một cuộc khảo sát 20 người đàn ông chuyển giới cho thấy không ai trong số họ trải qua phẫu thuật thu hồi trứng và đông lạnh để dành cho mục đích bảo tồn sinh sản.
Christos Coutifaris – Chủ tịch đắc cử ASRM khuyến cáo: “Rất quan trọng đối với một bệnh nhân chuyển giới biết rằng điều trị bảo tồn chức năng sinh sản là một sự lựa chọn của họ. Chúng ta phải làm tốt hơn để nâng cao nhận thức mọi người cùng như các đồng nghiệp để có thể ứng dụng y khoa các phương thức điều trị bảo tồn chức năng sinh sản”.