Trong một nghiên cứu do trường Đại học Queensland phối hợp với Đại họk Newcastle của Australia công bố ngày 21/9, các nhà khoa học đã tiến hành so sánh sức khỏe tinh thần và mức độ hỗ trợ xã hội đối với những phụ nữ vẫn tiếp tục lái xe và những người đã không còn cầm lái.
Trong suốt khoảng thời gian 9 năm, họ đã tiến hành quan sát 4.000 phụ nữ ở độ tuổi 70 và 80 tham gia vào Chương trình Nghiên cứu về sức khỏe nữ giới (ALSWH). Kết quả cho thấy ở nhóm phụ nữ cao tuổi không còn cầm vô lăng ghi nhận có sức khỏe tinh thần kém hơn nhóm còn lại.
Tuy nhiên, đối với những người trong nhóm này vẫn duy trì các mối quan hệ xã hội hay thường xuyên tham gia vào các hoạt động xã hội như đi nhà hát, các sự kiện thể thao hay chơi bài, sức khỏe tinh thần của họ được cải thiện đáng kể.
Lý giải về vấn đề này, Giáo sư Nancy Pachana thuộc Khoa Tâm lý, Đại học Queensland, cho rằng phụ nữ lớn tuổi khi không còn lái xe có nguy cơ dễ bị tổn thương tinh thần và dẫn đến trầm cảm hơn so với người khác giới. Khi không còn cầm lái, người phụ nữ sẽ có cảm giác mất kiểm soát, sự độc lập và tự chủ.
Do đó, việc duy trì các mối quan hệ xã hội cũng như tham gia vào các hoạt động xã hội sẽ giúp họ vượt qua sự trầm cảm hay tâm trạng u uất, qua đó cải thiện đời sống tinh thần, sức khỏe thể chất cũng như giảm thiểu bệnh tật và kéo dài tuổi thọ. Để tránh cảm giác bị cô lập, họ có thể nói chuyện với hàng xóm, kết nối với bạn bè và gia đình thông qua các cuộc điện thoại thông thường, giao lưu và cập nhật thông tin trên Internet hay tìm hiểu hệ thống giao thông công cộng...