Trong thông báo ngày 26/10 khi ra mắt sản phẩm trên, Giám đốc điều hành, nhà sáng lập The Ocean Cleanup và cũng là người sáng chế thiết bị, anh Boyan Slat, 25 tuổi, nêu rõ thiết bị này sẽ thực hiện chức năng là "lá chắn" ngăn rác thải trôi nổi trên các con sông ô nhiễm đổ ra biển.
Được ra mắt tại cảng Rotterdam, "The Interceptor" giống như một nhà thuyền nổi - một sà lan đặc biệt - với thiết kế dài 24 mét, có khả năng lọc và giữ lại các rác thải trôi nổi trên sông. Thiết bị này vận hành hoàn toàn tự động và dựa vào nguồn năng lượng Mặt trời.
Sau khi được bố trí tại các vị trí chiến lược trong hệ thống dòng chảy của sông, tấm chắn của thiết bị sẽ tự động thu gom rác trôi nổi vào "họng" của "The Interceptor" và sau đó lượng rác thải đó sẽ được băng chuyền đưa tới một trong 6 khoang chứa rác đi kèm thiết bị.
Theo anh Slat, "The Interceptor" có khả năng chở theo 50 m3 rác thải nhựa. Sau khi cả 6 khoang chứa rác đều đã đầy ứ, một máy tính gắn trên thiết bị sẽ gửi thông tin này về cho các nhà điều hành địa phương để xử lý 6 khoang rác thải này theo phương thức được mô tả "đơn giản như cách bạn làm sạch máy hút bụi của mình".
Dự án này sẽ hỗ trợ giải quyết vấn đề rác thải trôi nổi tại khoảng 1.000 con sông ô nhiễm trên toàn thế giới trong vòng 5 năm, vốn chiếm tới 80% lượng rác thải nhựa toàn cầu.
Ở thời điểm hiện tại, có 2 máy "The Interceptor" đang được triển khai, một tại Jakarta (Indonesia) và một ở Malaysia. Máy thứ 3 dự kiến sẽ được triển khai tại Việt Nam.
Chiếc máy được cho ra mắt lần này tại cảng Rotterdam sẽ được gửi đến Cộng hòa Donimica.
Hồi đầu tháng, The Occean Cleanup thông báo một con tàu đặc biệt được thiết kế nhằm "dọn rác" trong lòng các đại dương đã tiến hành đợt thu gom rác thải nhựa tại Đảo rác Thái Bình Dương.