Bằng phương pháp phân tích gene mảnh xương ngón tay, các nhà nghiên cứu đang dần hoàn chỉnh chân dung người Denisova cổ đại chôn cất tại hang động ở Siberia.
|
Di tích người Denisova được phát hiện ở dãy núi Altai, phía nam Siberia năm 2008. Ảnh: AP |
Kết quả trên sẽ giúp các nhà khoa học có bức ảnh hoàn thiện về cô gái trẻ người cổ đại Denisova đã tuyệt chủng. Di tích giống người này được các nhà khảo cổ phát hiện trong chuyến nghiên cứu dãy núi Altai, phía nam Siberia năm 2008, trong đó, mẩu xương ngón tay và hai chiếc răng là di vật còn lại duy nhất.
Ban đầu, giới chuyên gia nhận định họ hàng của người Denisova từng di cư sang châu Á hàng nghìn năm trước. Thử nghiệm trước đây cũng nói rằng, người Denisova có họ hàng gần với người Neanderthal hơn là người hiện đại.
Nhóm nghiên cứu từ Viện nhân chủng học tiến hóa Max Planck tại Leipzig, Đức và Trường Y Harvard tại Boston, Mỹ đã tạo ra các đoạn sợi đơn ADN lấy từ mẫu xương ngón tay của người Denisova. Các nghiên cứu về gene cho thấy, cô gái trẻ có làn da đen, mái tóc và đôi mắt màu nâu, Guardian đưa tin.
Bên cạnh đó, nhóm khoa học đem so sánh vật liệu gene di truyền từ bố mẹ của cô gái, họ thấy gene người Denisova có mức độ đa dạng thấp, tức là họ chỉ phát triển theo nhóm nhỏ, trong khi quá trình di cư diễn ra nhanh chóng, khó có cơ hội tạo thêm gene.
Theo kết quả so sánh gene tại Viện Nhân chủng học tiến hóa Max Planck, gene người Denisova có đặc điểm tương tự người Neanderthas và 11 giống người hiện đại trên thế giới. Vì thế, chắc chắn gene của người Denisova vẫn còn đang tồn tại trong bộ phân dân cư ngày nay.
"Rõ ràng, gene người Denisova đóng góp khoảng 3-5% bộ gene người châu Úc và New Guinea, người dân bản xứ sống ở Philippines và các hòn đảo gần đó", ông David Reich, nhà di truyền học từ Đại học Harvard nói.
Theo VnExpress.net