Bộ trưởng Môi trường Đức Barbara Hendricks ngày 20/1 đã kêu gọi nước này bắt đầu lên kế hoạch “xóa sổ” các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá.
Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh các lãnh đạo toàn cầu mới đạt được một thỏa thuận về biến đổi khí hậu tại Paris, Pháp hồi tháng trước. Theo đó, các nước cam kết sẽ chuyển đổi mô hình kinh tế từ sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu sạch hơn.
Bộ trưởng Hendricks cho rằng mặc dù than đá vẫn cần đóng vai trò là cầu nối để thế giới hướng tới một kỷ nguyên năng lượng mới song sứ mệnh của chiếc cầu nối này sẽ phải kết thúc trong tương lai và Berlin cần lên kế hoạch để “gạch tên” loại nhiên liệu này cho người lao động, khu vực, các nhà đầu tư và các công ty. Trong khi đó, tuy nhà lãnh đạo này không đưa ra một ngày cố định để công bố kế hoạch kể trên, nhưng ông cho rằng đề xuất của hãng nghiên cứu Agora Energiewende về việc dần loại bỏ khoảng 3 gigawatt sản lượng điện sản xuất từ than đá mỗi năm kể từ năm 2018 đến năm 2040, tương đương với đóng cửa khoảng 3-4 nhà máy điện quy mô lớn, là khá “hữu ích”.
Than đá đóng góp khoảng 40% sản lượng điện của Đức và được coi là một nhiên liệu quan trọng giúp duy trì nguồn cung điện ổn định cho “đầu tàu” kinh tế châu Âu, trong bối cảnh Berlin đang cố gắng thoát khỏi sự phụ thuộc vào điện hạt nhân và hướng tới các nguồn năng lượng tái tạo.
Trong một diễn biến có liên quan, Trung Quốc ngày 21/1 cho biết sẽ dành ra 30 tỷ NDT (4,56 tỷ USD) trong vòng ba năm tới để đóng cửa các mỏ than nhỏ và không hiệu quả, cũng như giải quyết việc làm cho khoảng 1 triệu nhân công bị ảnh hưởng.
Chính phủ Trung Quốc quyết tâm hạn chế sử dụng than đá trong một nỗ lực nhằm cắt giảm khói bụi và các khí thải gây hiệu ứng nhà kính, song Bắc Kinh vẫn muốn đảm bảo một đợt “hạ cánh mềm” cho lĩnh vực đang kiến tạo việc làm cho khoảng 6 triệu người dân. Nhật báo Economic Information Daily, một tờ báo thuộc Tân Hoa Xã, cho biết Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu sẽ đóng cửa 4.300 mỏ than và cắt giảm khoảng 700 triệu tấn sản lượng than trong vòng ba năm tới.