Các chỉ số mới được công bố tháng trước đã hé lộ một thực tế khủng khiếp về tình trạng ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn của Trung Quốc, và than đá là một trong những thủ phạm chính.
Than tổ ong vẫn được sử dụng rộng rãi ở vùng nông thôn Trung Quốc. |
Chỉ số do Trung tâm theo dõi môi trường đô thị Trung Quốc công bố giữa tháng 1 vừa qua cho thấy chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Bắc Kinh đã vọt lên mức cao kỷ lục là 755, trong khi mức nguy hiểm là 301-500. Mật độ hạt bụi có kích nhỏ hơn 2,5 micron lên tới 886 microgam/m3, cao gấp 35 lần chỉ số an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Thậm chí, nhà chức trách khuyến cáo mọi người tránh các hoạt động thể chất ở ngoài trời và những người bị bệnh tim, phổi, người cao tuổi và trẻ em nên ở trong nhà và giảm hoạt động.
Theo thống kê, tỷ lệ tử vong tại những thành phố ô nhiễm thường cao hơn trung bình tới 15-20%. Hồi năm 2007, WHO, ước tính có tới 656.000 người Trung Quốc tử vong mỗi năm do ô nhiễm không khí và 95.600 người khác tử vong vì ô nhiễm nguồn nước.
Trung Quốc đã ồ ạt xây dựng các nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá để phục vụ các nhà máy luyện thép cung cấp cho các dự án xây dựng khổng lồ (không ít trong số đó đã để lại những “thành phố ma”), những tuyến đường cao tốc và các bãi đỗ xe hoành tráng. Năng lực sản xuất điện của Trung Quốc từ năm 2005 đến 2011 đã tăng gấp đôi, trong đó 80% từ sử dụng than.
Năm 2000, Trung Quốc tiêu thụ 1,5 tỷ tấn than, chiếm 28% tổng lượng tiêu thụ toàn cầu. Mười năm sau, lượng than tiêu thụ đã tăng 153%, lên 3,8 tỷ tấn, chiếm 47% lượng than tiêu thụ của thế giới. Trung bình nhu cầu tăng 9%/năm. Nếu bong bóng kinh tế của Trung Quốc không bất ngờ đổ vỡ trong năm 2012, thì trong năm nay họ có thể tiêu thụ nhiều than hơn toàn bộ thế giới cộng lại.
Không chỉ là nước tiêu thụ nhiều nhất, Trung Quốc còn sản xuất nhiều than nhất và có trữ lượng than lớn thứ ba thế giới. Trữ lượng than đá của nước này hiện vào khoảng 128 tỷ tấn, tương đương 13% trữ lượng toàn cầu và đứng thứ 3 thế giới sau Mỹ và Nga. Than đá đang được khai thác tại 27 tỉnh ở Trung Quốc.
Với 15 lò phản ứng đang hoạt động tính đến giữa năm 2012, năng lượng hạt nhân chỉ cung cấp một lượng điện nhỏ ở nước này. Hiện Trung Quốc đang xây thêm 26 lò phản ứng hạt nhân nữa để sản xuất điện. Trong khi các loại năng lượng thay thế này vẫn đang "èo uột", sản lượng than tiêu thụ sẽ còn tiếp tục tăng. Và ngày 12/1 vừa qua sẽ không phải là ngày ô nhiễm không khí tồi tệ nhất tại Trung Quốc.
Để cung cấp đủ nguyên liệu thô và nhiên liệu hóa thạch cho một nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, bất chấp các hậu quả, Trung Quốc đang tiến hành một chiến dịch tổng lực khai thác các nguồn tài nguyên ở khắp mọi hướng. "Xúc tu" của Trung Quốc đang lan ngày càng xa và rộng. Dầu mỏ đứng đầu danh sách ưu tiên, tiếp sau là than đá.
Dương Hoa