Theo hãng tin Reuters, thành tựu chưa từng có trong lịch sử loài người khi thu được oxy từ không khí loãng trên Sao Hỏa đã đạt được vào ngày 21/4 nhờ một thiết bị thí nghiệm trên tàu Perseverance – tàu vũ trụ 6 bánh đã hạ cánh xuống Hành tinh Đỏ vào ngày 18/2 sau 7 tháng di chuyển từ Trái Đất.
Trong lần hoạt động đầu tiên, thiết bị nhỏ gọn chỉ bằng lò nướng bánh mì có tên Moxie đã sản xuất ra được 5 gram oxy – cung cấp lượng oxy đủ cho một phi hành gia thở trong vòng khoảng 10 phút.
Mặc dù lượng ban đầu vẫn còn khá ít song đây đã ghi nhận là thành công mang tính đột phá, đánh dấu việc khai thác thử nghiệm đầu tiên một nguồn tài nguyên thiên nhiên từ môi trường của một hành tinh khác để cho con người sử dụng trực tiếp.
“Moxie không chỉ là thiết bị sản xuất oxy trên một hành tinh khác đầu tiên trên thế giới, mà còn mang ý nghĩa là công nghệ đầu tiên giúp nhiệm vụ hình thành sự sống trên hành tinh khác”, Trudy Kortes – Giám đốc phụ trách công nghệ nằm trong ban công nghệ không gian của NASA – nhấn mạnh.
Cơ chế hoạt động của thiết bị này sử dụng quá trình điện phân, dùng nhiệt độ cực cao để tách các nguyên tử oxy khỏi các phân tử CO2 đang chiếm khoảng 95% bầu khí quyển trên Sao Hỏa. 5% bầu khí quyển còn lại của Sao Hỏa, chỉ bằng khoảng 1% so với Trái Đất, chủ yếu bao gồm phân tử nitơ và argon. Gần như không có dấu hiệu tồn tại của oxy trên sao Hỏa.
Theo NASA, oxy đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong nhiệm vụ khám phá Sao Hỏa của loài người, khi nó vừa là nguồn cung cấp khí thở cho các phi hành gia vừa là thành phần cần thiết trong nhiên liệu tên lửa đưa họ về nhà.
Để đưa 4 phi hành gia rời khỏi bề mặt Sao Hỏa sẽ mất khoảng 7 tấn nhiên liệu tên lửa kết hợp với 25 tấn oxy.
Ông Michael Hecht – giám sát viên dự án Moxie thuộc Viện Công nghệ Massachusetts - cho biết công cuộc vận chuyển một máy phân tách oxy chỉ nặng 1 tấn lên sao Hỏa hoàn toàn thiết thực hơn là tìm cách đưa 25 tấn oxy lên đó từ Trái đất. Các nhà khoa học sống và làm việc tại Sao Hỏa có thể cần tới 1 tấn oxy để giúp họ hô hấp trong 1 năm.
Moxie được thiết kế để sản xuất 10 gram oxy/giờ. Tuy nhiên, cỗ máy này cần phải chạy thử nghiệm ít nhất 9 lần nữa trong hai năm tới để có thể xác định được hiệu quả làm việc.
Kết quả thử nghiệm phân tách oxy đầu tiên thu được một ngày sau khi trực thăng NASA Ingenuity cất cánh thành công trên Sao Hỏa. NASA cũng lên kế hoạch tiến hành 5 chuyến bay của Ingenuity trong vòng 1 tháng và mỗi chuyến bay lại có một nhiệm vụ khó khăn hơn. NASA hy vọng có thể điều khiển thiết bị trực thăng này bay cao 5m sau đó di chuyển theo chiều ngang.
Ingenuity được tàu thám hiểm Perseverance mang lên Sao Hỏa ngày 18/2 trong sứ mệnh tìm kiếm dấu hiệu của sự sống từng tồn tại trên Hành tinh Đỏ. Ban đầu, NASA dự định tiến hành chuyến bay của Ingenuity vào ngày 11/4.
Trong những năm tới, tàu Perseverance đặt mục tiêu thu thập 30 mẫu đất và đá để gửi trở lại Trái Đất (ước tính vào khoảng những năm 2030) để tiến hành công tác phân tích.