Hình ảnh phục dựng của Timurlengia euotica. Ảnh: theaustralian.com.au |
Trong một công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí "Proceedings" của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ, các nhà khoa học cho biết khủng long T-rex và họ hàng của nó đã leo lên đỉnh của chuỗi thức ăn vào giai đoạn cuối của thời đại khủng long, sau khi các nhánh khác của loài khủng long ăn thịt lớn đã tuyệt chủng khoảng 80 đến 90 triệu năm trước.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có một sự giải thích thuyết phục về cách thức "những kẻ khổng lồ đáng sợ" này tiến hóa từ một dòng giống khủng long Tyrannosaurus chân ngắn, đuôi dài và thân nhỏ. Do đó, việc phát hiện các hóa thạch của loài khủng long Timurlengia mới đây đã mở ra hy vọng giải mã bí ẩn trên.
Theo các nhà khoa học, các hóa thạch của Timurlengia được các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Edinburgh của Anh tìm thấy tại Uzbekistan. Tuy Timulengia thuộc gia đình khủng long Tyrannosaur song không phải là tổ tiên của T-rex. Nghiên cứu về hóa thạch của Timurlengia cho thấy loài khủng long này có kích thước tương đương một con ngựa, nhỏ hơn nhiều lần so với T-rex.
Bù lại, chúng sở hữu não bộ phát triển vượt bậc và giác quan vô cùng nhạy bén, đặc biệt khả năng là khả năng nghe âm thanh tần số thấp, tương tự như T-rex. Các nhà nghiên cứu cho rằng kích thước khác biệt giữa Timulengia và T-rex cho thấy cả hai loài khủng long đều tiến hóa về kích thước một cách nhanh chóng trong khoảng 20 triệu năm cuối cùng của kỷ Phấn Trắng. Điều này chứng tỏ giống Tyrannosaur đã trở thành loài động vật săn mồi nguy hiểm trước khi kích thước của chúng lớn lên.
Trao đổi với báo giới, trưởng nhóm nghiên cứu Steve Brusatte cho rằng ngoại hình tổ tiên của T-rex có thể trông giống Timurlengia – một động vật săn mồi thân nhỏ với não bộ lớn và thính giác nhạy bén. Ông nhận định não bộ và các giác quan của giống Tyrannosaur đã tiến hóa vượt bậc trước khi đạt được kích thước tương đương khủng long bạo chúa T-rex. Theo đó, những con Tyrannosaurs đầu tiên sống khoảng 170 triệu năm trước có kích thước chỉ hơi lớn hơn một con người. Tuy nhiên, vào cuối kỷ Phấn Trắng, loài Tyrannosaurs đã tiến hóa thành loài động vật như T-rex và Albertosaurus với trọng lượng hơn bảy tấn.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng nhận định một trong những nhân tố lớn đóng vai trò trong sự tiến hóa của T-rex chính là cuộc đại tuyệt chủng do núi lửa phun trào cách đây 94 triệu năm trước. Họ nghi ngờ lửa và nham thạch đã giết chết nhiều động vật săn mồi hàng đầu lúc bấy giờ, đồng thời tạo cơ hội cho sự trỗi dậy của khủng long bạo chúa T-rex. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng cần có thêm những mẫu hóa thạch để có thể tìm được các bằng chứng thuyết phục cho giả thuyết trên.
Việc tìm thấy các hóa thạch của Timurlengia được đánh giá là một phát hiện quan trọng, không chỉ phần nào giải thích về sự tiến hóa của T-rex nói riêng mà còn cung cấp cái nhìn rõ nét hơn về quá trình tiến hóa của loài Tyrannosaur.