17 năm trước, khi thế giới chấn động vì sự kiện con cừu Dolly được tạo ra bằng kỹ thuật nhân bản vô tính, người ta đã đặt ra câu hỏi liệu có thể nhân bản con người theo cách đó. Giờ đây, các nhà khoa học đã gặt hái được một thành công mang tính đột phá khi lần đầu tiên tạo ra các tế bào gốc phôi từ tế bào da người.
Mở ra hy vọng chữa các bệnh nan y
Giáo sư Shoukhrat Mitalipov thuộc trường Đại học Khoa học và Sức khỏe Oregon (Mỹ) và đồng nghiệp vừa công bố thành công trên của mình trên tạp chí Cell, theo đó họ đã tái lập trình đưa tế bào da người trở lại thời kỳ phôi thai. So với các phương pháp tạo tế bào gốc khác, phương pháp của ông Shoukhrat đơn giản hơn, không cần sử dụng phôi thai và không cần trứng của người hiến.
Tế bào gốc nhìn qua màn hình máy tính. Ảnh: Internet |
Trong nghiên cứu của giáo sư Shoukhrat, quá trình chuyển nhân tế bào được tiến hành bằng cách đưa nhân một tế bào phát triển đầy đủ từ da người vào tế bào trứng người - tế bào trứng này chưa được thụ tinh và đã loại bỏ nhân, sau đó kích thích trứng phân chia. Đây là quy trình thường chỉ xảy ra sau khi trứng đã được thụ tinh. Sau vài ngày, túi tế bào được tạo ra có một lớp phủ tế bào gốc phôi chứa các vật liệu gien giống hệt vật liệu từ tế bào da ban đầu. Các tế bào gốc được tạo ra trong quá trình này có thể phát triển thành mọi loại tế bào khác. Giáo sư Shoukhrat cho biết quy trình này chỉ mất vài tháng, một thời gian ngắn đáng ngạc nhiên để đạt được một bước ngoặt như vậy.
Trong trường hợp cừu Dolly, những tế bào này được cho phát triển thành một phôi rồi sau đó đưa vào một con cừu cái để tạo ra một con cừu nhân bản. Tuy nhiên, giáo sư Shoukhrat cho biết tế bào trong quy trình của ông không đi theo cách đó, mà sẽ được kích thích để tạo thành tế bào tim, dây thần kinh, cơ... dùng cho mục đích chữa bệnh.
Giáo sư Shoukhrat đã mất hàng năm trời để hoàn thiện kỹ thuật nói trên. Chìa khóa giúp ông thành công đột phá chính là chất caffeine. Nhóm của ông phát hiện ra rằng một chút chất kích thích caffeine giúp bảo vệ trứng và cho phép chúng phát triển đến một giai đoạn mà các nhà khoa học có thể “thu hoạch” tế bào gốc. Tế bào gốc có thể dùng để thay thế những tế bào hay mô bị phá hủy, giúp điều trị nhiều căn bệnh ảnh hưởng đến hàng triệu người. Ông tự hào tin tưởng “đây là một bước tiến quan trọng trong phát triển tế bào dùng trong y học tái sinh”, cho dù vẫn thận trọng “còn nhiều việc phải làm để phát triển một phương pháp chữa bệnh hiệu quả dựa trên tế bào gốc”.
Dùng mảnh da của chính bệnh nhân sẽ đảm bảo rằng tế bào gốc được tạo ra tương thích hoàn hảo với cơ thể của họ, không lo đến vấn đề đào thải và không phải dùng những liều thuốc cực mạnh để ức chế hệ miễn dịch của bệnh nhân. Tế bào đó cũng có thể được dùng để nghiên cứu thêm về bệnh của một người nào đó, để thử thuốc và tìm ra những loại thuốc có tác dụng tốt nhất.
Ông Dieter Egli, một điều tra viên của Tổ chức tế bào gốc New York và trường Đại học Columbia, đánh giá đây là một bước tiến thực sự quan trọng. Ông nói: “Tôi rất tự tin rằng kỹ thuật này sẽ hoạt động hiệu quả. Đó là một điều mà chúng ta đang chờ đợi”.
Lại nóng vấn đề đạo đức
Trước đây, phôi người đã từng được nhân bản nhưng không phôi nào có tế bào gốc khỏe mạnh. Bước đột phá mới nhất của giáo sư Shoukhrat cho thấy các nhà khoa học đang tiến gần hơn tới khả năng nhân bản vô tính con người. Mặc dù nhóm nghiên cứu của ông nhấn mạnh rằng họ chỉ muốn tìm cách chữa trị những bệnh bị coi là vô phương cứu chữa, nhưng các nhà phê bình lo ngại khó có thể ngăn hoàn toàn những nhà khoa học “xấu” ăn cắp công trình này để tìm cách nhân bản vô tính con người.
Từ lâu vấn đề nhân bản vô tính con người bị nhiều người coi là “phi đạo đức” xét dưới các góc độ quan hệ xã hội của người được sinh ra hoặc vấn đề tôn giáo... Hơn nữa, chưa có gì đảm bảo cho sức khỏe của người được tạo ra bằng phương pháp này, bởi tuổi thọ của cừu Dolly rất ngắn, Tiến sĩ David King, sáng lập viên tổ chức Cảnh báo gien con người (Human Genetics Alert), đã kêu gọi quốc tế cấm nhân bản vô tính con người và nói rằng công bố chi tiết kỹ thuật tế bào gốc là hành động “cực kỳ vô trách nhiệm”. Ông cho rằng cần phải cấm trước khi có thêm những nghiên cứu như thế này được công bố.
Ở Anh, luật yêu cầu phá hủy các phôi nhân bản sau 14 ngày hình thành và cấm cấy phôi nhân bản vào cơ thể một người phụ nữ.
Bà Josephine Quintavalle thuộc nhóm “Comment on Reproductive Ethics” cho rằng không cần có những nghiên cứu như của giáo sư Shoukhrat vì đã có nhiều cách tạo tế bào gốc đơn giản hơn rồi. Bà nói: “Hi vọng là mục đích của nghiên cứu không phải là nhân bản vô tính”.
Thùy Dương