Trong khi đó, Mỹ là nước đầu tiên và duy nhất cho người đổ bộ thành công lên Mặt Trăng, tạo ra một kỳ tích trong lịch sử khám phá vũ trụ. “Đây là bước đi nhỏ bé của một con người, nhưng là bước tiến vĩ đại của nhân loại" - đó là câu nói bất hủ của phi hành gia Neil Armstrong thuộc tàu vũ trụ Apollo 11 ngày 21/7/1969 khi ông đặt bước chân đầu tiên của con người lên bề mặt Mặt Trăng và cắm cờ Mỹ ở nơi mà ông mô tả là "sự hoang vu tráng lệ".
Nhiều hoạt động kỷ niệm tròn 50 năm con người chinh phục Mặt Trăng đang được tổ chức tại Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tháp Bút chì ngay giữa trung tâm thủ đô Washington đã được "khoác áo" tên lửa đẩy Saturn V, trong khi bộ đồ vũ trụ của Neil Armstrong được trưng bày tại Bảo tàng Hàng không và Không gian quốc gia Mỹ.
Nhà đấu giá Christie's tổ chức sự kiện đấu giá khoảng 200 kỷ vật tại thành phố New York (Mỹ). Kênh National Geographic của Mỹ ra mắt bộ phim tài liệu mang tên "Apollo: Missions to the Moon" (Apollo: Sứ mệnh đến Mặt Trăng), thuật lại quá trình diễn ra Chương trình Apollo của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).
Trong khi đó, kênh truyền hình Foxtel của Australia công chiếu phim Moon Landing: The Lost Tapes" (Hạ cánh xuống Mặt Trăng: Những băng hình bị thất lạc", giới thiệu tới khán giả những hình ảnh chưa từng được biết đến về sự kiện này.
Hãng sản xuất bật lửa Zippo cho ra mắt bộ sưu tập với chủ đề “Moon Landing 50 Years” để tôn vinh sứ mệnh của chuyến bay Apollo 11, trong khi hãng sản xuất đồ chơi lắp ráp dành cho trẻ em LEGO cũng tung lên kệ phiên bản mô hình con tàu NASA Apollo 11.
Australia và một số quốc gia khác đã phát hành bộ sưu tập tiền xu để tôn vinh chiến thắng khoa học và những thành tựu của con người trên khắp thế giới. Còn Google trong ngày 19/7 đã đổi biểu tượng trên trang chủ (Google Doodle) với video gợi nhắc hành trình đổ bộ lịch sử lên Mặt Trăng trong sứ mệnh lịch sử cách đây 50 năm...
Apolo 11 là chuyến bay có người lái thứ năm và cũng là sứ mệnh vô cùng đặc biệt trong Chương trình Apollo của NASA. Con tàu được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Saturn V từ Trung tâm vũ trụ Kennedy tại đảo Merritt, Florida vào ngày 16/7/1969 và 3 nhà du hành vũ trụ Mỹ Neill Armstrong, Buss Ourderlin cùng McKolins là những người thực hiện trọng trách đưa tàu đến Mặt Trăng an toàn, đánh dấu một cột mốc vĩ đại trong lịch sử khám phá vũ trụ của nhân loại.
Chuyến bay lịch sử ấy thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Mỹ và cộng đồng thế giới. Sau khi được phóng qua tầng khí quyển của Trái Đất, tàu Apollo 11 được tách ra và tiếp tục chặng đường kéo dài 3 ngày trên hành trình hướng tới Mặt Trăng.
Khi đã đi vào quỹ đạo của hành tinh cách Trái Đất hơn 4.000 km này, các phi hành gia điều khiển môđun tiếp cận và hạ cánh tại khu vực Sea of Tranquility (Biển tĩnh lặng) trên Mặt Trăng. Sự kiện vĩ đại này đã được tường thuật trực tiếp và phát sóng trên toàn cầu, với sự chăm chú theo dõi của 600 triệu người trên khắp thế giới.
Để hoàn thành nhiệm vụ khó khăn ấy theo tuyên bố của Tổng thống Mỹ John F. Kennedy trước quốc hội năm 1961: đưa phi hành gia lên Mặt Trăng và quay lại Trái Đất bình an vô sự, NASA đã phải làm việc cật lực để vượt qua những thử thách kỹ thuật lớn chưa từng có, nhằm xây dựng một chương trình không gian khả thi bắt đầu từ con số 0 mang tên "Chương trình Apollo" . Không chỉ đòi hỏi về sức người (khoảng 400.000 nhân công), Chương trình Apollo cũng ngốn của Mỹ số kinh phí khổng lồ, lên đến 25,4 tỷ USD.
Cuộc đổ bộ Mặt Trăng năm 1969 mở đầu cho những cuộc chinh phục tiếp sau, đã mang lại những kết quả quan trọng cho nền khoa học của toàn nhân loại. Sau Apollo 11, Mỹ còn thực hiện thành công 5 sứ mệnh khác đưa con người lên Mặt Trăng, trong đó chuyến bay cuối cùng là của tàu du hành Apollo 17 vào tháng 12/1972.
Thông qua việc quan sát trực tiếp bề mặt Mặt Trăng và cùng việc có được 21,5 kg đá từ hành tinh này, các nhà khoa học Trái Đất bắt đầu hiểu được lịch sử hình thành Mặt Trăng, quá trình vận động và tương tác tại đây với những tri thức hoàn toàn chưa được biết đến trước đó. Sau Apollo 11, Mỹ còn tới thăm "chị Hằng" thêm 5 lần nữa.
Thành công của dự án Apollo cũng tạo cơ hội cho người Mỹ và người Nga hợp tác với nhau trong chuyến bay quốc tế đầu tiên vào vũ trụ - đó là Dự án Thử nghiệm Apollo-Soyuz được tiến hành vào tháng 7/1975. Dự án này là sự khởi đầu của quan hệ hợp tác khá hiệu quả trong không gian giữa hai cường quốc, bất chấp những căng thẳng đối đầu Nga-Mỹ.
Năm 1993, Nga, Mỹ và các đối tác châu Âu đã ký hiệp định hợp tác trong các nhiệm vụ chinh phục vũ trụ và việc xây dựng Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) vào năm 1998. Từ thời điểm đó, ISS đã được coi là ngôi nhà chung trên vũ trụ của các nhà du hành và nghiên cứu không gian từ các nước trên thế giới, là cơ sở nghiên cứu khoa học quan trọng, giữ vai trò phát triển mục tiêu tiếp theo cho những chuyến du hành vượt ra ngoài quỹ đạo Trái Đất.
Tại Hội nghị khoa học không gian 2018 tổ chức tại thủ đô Riga của Latvia, các nhà khoa học quốc tế đã cùng bàn luận về chương trình xây dựng “Làng Mặt Trăng” do Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) xúc tiến.
Theo kế hoạch, ngôi làng đặc biệt này ban đầu sẽ là nơi điều phối hoạt động của robot hoặc các máy thăm dò, sau đó sẽ đưa người lên nghiên cứu và trở thành trạm chuyển tiếp cho các kế hoạch khám phá những vùng đất xa xôi hơn trong vũ trụ. ESA đặt mục tiêu không chỉ có sự hiện diện tạm thời của con người mà còn tham vọng đưa con người định cư lâu dài trên vệ tinh tự nhiên của Trái Đất.
Tại đây, các nhà thám hiểm sẽ sinh sống trên bề mặt Mặt Trăng, đồng thời chia thành nhiều đơn vị thực hiện các nhiệm vụ như nghiên cứu khoa học vũ trụ, thiên văn học, nghiên cứu sự sống của con người ngoài không gian, sử dụng tài nguyên trên Mặt Trăng, thậm chí phát triển kinh tế, thương mại.
Các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Israel và cả Mỹ đang thể hiện tham vọng tiếp cận vệ tinh duy nhất của Trái Đất này. Ngày 3/1/2019, Cơ quan Vũ trụ Trung Quốc tuyên bố đã hạ cánh tàu Hằng Nga 4 xuống mặt tối của Mặt Trăng, trở thành quốc gia đầu tiên thám hiểm vùng đất này nhằm tìm kiếm cái nhìn mới về nguồn gốc và sự tiến hóa tại đây.
Cơ quan Vũ trụ Ấn Độ cũng đã thông báo kế hoạch phóng tàu thăm dò lên Mặt Trăng lần thứ hai trong chương trình có tên gọi “Chandrayaan-2”, nhằm mục đích phân tích các mẫu đất đá trên bề mặt Mặt Trăng để khai thác tài nguyên. Trong khi đó, tên lửa đẩy SpaceX Falcon 9 dự kiến sẽ mang tàu đổ bộ đầu tiên của Israel lên Mặt Trăng trong năm nay.
Hàng loạt các công ty tư nhân khác như SpaceIL (Israel) cùng ba công ty khác là PTSellectists của Đức, Team Indus và Moon Express có trụ sở tại Florida (Mỹ) đều tuyên bố hướng đến mục tiêu đưa tàu lên Mặt Trăng trong năm 2019.
Mới đây nhất, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố sẽ đưa các thiết bị khoa học lên bề mặt Mặt Trăng vào năm 2020 và 2021, hướng tới đưa con người trở lại Mặt Trăng vào năm 2024 trong dự án Artemis đầy tham vọng.
Tiếp cận Mặt Trăng đang là ưu tiên hàng đầu của nhiều nước trên thế giới bởi hành tinh này vẫn còn quá nhiều tiềm năng khai thác, là nguồn cung dồi dào các tài nguyên quý hiếm, quan trọng nhất là Heli-3 - nguồn nguyên liệu hoàn hảo có thể thay thế dầu mỏ lẫn khí đốt. Trong tương lai, Mặt Trăng còn có thể trở thành "trạm không gian" để thực hiện các sứ mệnh khám phá vũ trụ sâu hơn.
50 năm sau bước đi nhỏ bé của nhà du hành Neil Armstrong trên Mặt Trăng, nhân loại vẫn tiếp tục hành trình chinh phục vũ trụ, với những dự án đầy tham vọng đưa con người lên Sao Hỏa hay đi xa hơn nữa trong hệ Mặt Trời, nơi nguồn tài nguyên được đánh giá là nhiều hơn khả năng sử dụng của con người.
Bước chân của nhà du hành Neil Armstrong trên Mặt Trăng đang được tiếp nối bằng những bước tiến xa hơn, vững chắc hơn để những tiềm năng vô tận của vũ trụ có thể phục vụ đắc lực cho cuộc sống con người.