Chó là loài được con người nuôi nhiều nhất và cũng gần gũi với chủ nhân nhất. |
Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Science Advances (Mỹ) ngày 19/7 chỉ ra rằng loài chó sở hữu hai biến thể gien liên quan hành vi giao tiếp xã hội, tương tự ở những người mắc hội chứng Williams-Beuren bẩm sinh. Người mắc hội chứng này có xu hướng thích giao du, hoạt động hướng ngoại, thông cảm, dễ bị lo lắng và có thể bị thiểu năng trí tuệ ở mức nhẹ hoặc trung bình.
Phát hiện trên có thể đưa ra một cách lý giải mới về quá trình loài chó nhà được con người thuần hóa và tách khỏi loài sói tổ tiên của chúng. Cụ thể, sau khi phân tích mẫu máu của chó nhà và chó sói, các nhà nghiên cứu đến từ Đại học bang Oregon (Mỹ đã phát hiện những biến thể ở hai gien GTF2I và GTF2IRD1, liên quan trực tiếp đến khả năng kết bạn và tính thân thiện ở chó nhà. Những biến thể này không có trong gien của sói hoang.
Trước đây, người ta cho rằng nhận thức xã hội của chó nhà được hình thành trong quá trình thuần hóa. Tuy nhiên, phát hiện mới có thể lý giải rằng những đặc điểm về gien đã dẫn tới động cơ giao tiếp xã hội ở loài chó, khác với loài sói tổ tiên của chúng.