Bài toán đặt ra cho các nhà lãnh đạo thế giới là virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 ảnh hưởng như thế nào đến trẻ em và liệu trường học các cấp có nên mở cửa trở lại hay không.
Liệu trẻ em có nguy cơ mắc COVID-19 thấp hơn so với người trưởng thành không? Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), số trẻ mắc COVID-19 ít hơn so với người trưởng thành mắc căn bệnh nguy hiểm này. CDC cho biết, khoảng 2% số ca mắc được xác nhận tại Mỹ nằm trong độ tuổi dưới 18 tuổi. Trong khi đó, tỷ lệ này là 2,2% tại Trung Quốc, 1,2% tại Italy và 0,8% tại Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, xét về tổng thể dân số, các nhà dịch tễ học cho rằng tỷ lệ này khả năng không bao gồm cả số trẻ mắc COVID-19 nhưng không biểu hiện triệu chứng bởi những người mắc bệnh không triệu chứng hiếm khi được làm xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Hơn nữa, mới đây nhà chức trách đã cảnh báo các bác sĩ cần cảnh giác trước thực trạng trẻ mắc hội chứng viêm lạ nguy hiểm đến tính mạng nghi có liên quan đến COVID-19.
Trẻ em có dễ truyền bệnh cho người khác hay không? Một nghiên cứu gần đây theo dõi một nhóm gia đình nước ngoài mắc bệnh COVID-19 và phát hiện chưa đến 10% số trẻ em là nguồn lây nhiễm virus ban đầu. Nghiên cứu này do Đại học Queensland tiến hành và được đăng trên mạng nghiên cứu khoa học SSRN hồi tháng 4 vừa qua. Nghiên cứu vừa được gửi đến tạp chí y khoa The Lancet nhưng chưa được giới chuyên gia đánh giá.
Một số nghiên cứu ở quy mô nhỏ tại nhiều nước như Iran, Pháp cũng đưa ra những kết luận tương tự. Hôm 19/5, hai nhà dịch tễ học hàng đầu của Anh Rosalind Eggo và John Edmunds nhận định có những dấu hiệu cho thấy trẻ em có lẽ không làm lây lan virus SARS-CoV-2 nhiều như người lớn.
Trẻ em mang tải lượng virus tương tự như người trưởng thành hay không? Ít nhất một nghiên cứu đã được tiến hành nhằm đo tải lượng virus SARS-CoV-2 trong cơ thể người mắc COVID-19 cho thấy tải lượng virus không liên quan đến độ tuổi của bệnh nhân. Các nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu về virus Đại học Y khoa Charité-Berlin (Đức) cho biết kết quả phân tích gần 4.000 mẫu xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 được tiến hành đầu năm nay cho thấy tải lượng virus của trẻ nhiễm không khác đáng kể so với người trưởng thành nhiễm virus. Từ đó, các nhà nghiên cứu kết luận cần thận trọng khi ồ ạt mở lại các trường học.
Trong khi đó, Đại học Zurich tiến hành một nghiên cứu riêng rẽ và cảnh báo khó có thể diễn giải được các kết quả nghiên cứu do các tác giả sử dụng phương pháp thống kê khác nhau và chỉ xác định một phần nhỏ số ca trẻ em và người trưởng thành mắc bệnh. Trưởng nhóm nghiên cứu và là Giáo sư chuyên ứng dụng thống kê vào môn sinh học của Đại học Zurich (Thụy Sĩ), Tiến sĩ Leonhard Held cho biết: “Kết quả phân tích lại dữ liệu tổng hợp và theo dõi xu hướng cho thấy có bằng chứng nhưng không rõ rệt chứng tỏ tải lượng virus gia tăng theo độ tuổi”.
Trong khi các nhà khoa học đang chạy đua để lý giải vai trò của trẻ em trong việc lan truyền virus SARS-CoV-2, một số chính phủ cho phép trường học mở cửa trở lại trong tháng 5 này nhưng vẫn yêu cầu các trường đảm bảo biện pháp giãn cách để phòng dịch tái bùng phát.