Dự luật tạo ra thế hệ trẻ em biến đổi gien có thể được quốc hội Anh thông qua trong năm 2013, theo đó cho phép trẻ em có tới 2 bà mẹ và 1 ông bố.
Một đứa trẻ có thể thừa hưởng ADN từ hai mẹ, một bố. Ảnh: Internet |
Dự luật này sẽ giúp “thiết kế” sao cho đứa trẻ không mắc các bệnh nan y và tử vong vài giờ sau khi sinh.
Vấn đề này được đặt ra khi chính phủ Anh tiến hành trưng cầu ý công chúng về vấn đề khoa học và đạo đức của biến đổi trứng và phôi để tạo ra các em bé không nhiễm bệnh nan y.
Các nhà khoa học Đại học Newcastle đang phát triển hai kỹ thuật trong đó ty lạp thể bị bệnh của người phụ nữ này có thể được đổi lấy ty lạp thể khỏe mạnh lấy từ trứng của một người hiến tặng.
Thay thế ty lạp thể thành công sẽ giúp loại trừ bệnh tật cho thế hệ tương lai trong khi cặp vợ chồng đó vẫn có đứa con mang gien của chính mình.
Đứa trẻ sẽ có một ít ADN từ người hiến trứng – bà mẹ thứ hai.
Tuy nhiên, nếu dự luật được thông qua thì các nhà khoa học cũng chưa thể tiến hành ngay vì pháp luật đòi hỏi có thêm bằng chứng về tính an toàn của kỹ thuật “hai mẹ, một bố”.
Những người ủng hộ cho rằng thực hiện kỹ thuật gien trên trứng và phôi thai sẽ giúp các cặp vợ chồng bị sảy thai nhiều lần hoặc con mới sinh đã tủ vong vì mắc bệnh về gien.
Tuy nhiên, những người phản đối cho rằng hành động can thiệp này đi ngược với quy luật cuộc sống, đặc biệt là khi chưa lường hết được hậu quả mà các thế hệ tương lai phải gánh chịu.
Phần lớn các nước đều cấm thay đổi gien trong trứng và tinh trùng vì sợ các cặp vợ chồng lạm dụng để “đặt hàng” tạo ra những đứa trẻ có màu tóc, màu mắt theo ý muốn.
Bà Lisa Jardine thuộc Cơ quan nghiên cứu về phôi thai và thụ tinh ở người cho rằng, phải cân bằng giữa mong muốn giúp các gia đình có con cái khỏe mạnh và những hậu quả có thể xảy ra với chính đứa trẻ và xã hội.
Thùy Dương