Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), trong một nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí khoa học Journal of Hazardous Materials ngày 23/4, nhóm nghiên cứu của Viện đại dương học Trung Quốc do nhà khoa học Sun Chaomin dẫn đầu kết luận tổ hợp các vi khuẩn biển họ tìm ra không chỉ phân huỷ polyethylene terephthalate (PET) mà còn có polythene – loại nhựa được dùng để sản xuất túi nilon.
“So sánh với lượng nghiên cứu các vi khuẩn và enzym có thể phân huỷ PET, nghiên cứu liên quan đến PE còn rất hạn chế”, các nhà khoa học cho hay.
Nhóm nghiên cứu cho biết họ đã cho thêm vi khuẩn vào các mẫu thử nhựa polythene và PET. Sau nhiều lần thử nghiệm, các nhà khoa học nhận thấy sự kết hợp của ba loại vi khuẩn đã gây ra "thiệt hại đáng kể" cho màng polythene, bao gồm tạo ra "nhiều vết rách và lỗ sâu”.
Khoảng 5 triệu tấn nhựa được thải ra biển và đại dương mỗi năm. Các nhà khoa học đang nỗ lực tìm ra một cách thân thiện với môi trường để loại bỏ hoàn toàn nhựa trong biển và đại dương. Cho đến thời điểm hiện tại, các nhà khoa học đã xác định được khoảng hơn 430 loại vi sinh vật có thể tiêu huỷ nhựa.
Theo nghiên cứu trên, mỗi năm, ô nhiễm nhựa gây ra cái chết của khoảng 1 triệu con chim và 10.000 động vật biển. Hai loại nhựa PE và PET là hai thủ phạm lớn nhất.
Chuyên gia Sun nhận định khả năng tiêu huỷ nhựa của tổ hợp vi khuẩn mà nhóm ông tìm ra là “tốt nhất từ trước đến nay”, song vẫn cần phải nghiên cứu chuyên sâu thêm.
“Mặc dù đã tìm ra một tổ hợp vi khuẩn có thể phân huỷ nhựa nhưng không dễ xác nhận loại vi khuẩn và enzym cụ thể đóng vai trò quyết định. Việc này sẽ phải mất thêm vài năm nghiên cứu”, ông Sun giải thích.
Douglas Woodring - người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Ocean Recovery Alliance, một tổ chức môi trường có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) và Mỹ - cho rằng cần ban hành những quy định về sản xuất, tiêu dùng các loại nhựa và chỉ rõ trách nhiệm của doanh nghiệp. “Mặc dù tôi không bác bỏ phát hiện mới, nhưng chúng ta không nên quá phấn khích và đặt tất cả hy vọng vào một giải pháp. Chúng ta có tất cả các công nghệ cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa hiện nay nhưng lại không áp dụng”, ông nói.
Trong khi đó, ông Paul Zimmerman - Chủ tịch của Drink Without Waste, một sáng kiến tái chế nhựa có trụ sở tại Hong Kong - chỉ ra cần phải xem xét các tác động đằng sau của phát hiện mới này.
“Chi phí để thu thập nhựa từ đại dương rất tốn kém. Trong trường hợp giải phóng vi khuẩn ra biển hoặc đại dương để phân huỷ nhựa, điều đó có thể tạo ra nguy cơ cao về việc thay đổi môi trường tự nhiên và những hậu quả không lường trước được”, ông Paul cảnh báo.