Ứng dụng vận chuyển máu cho bệnh nhân ở Nigeria

LifeBank là công ty cung cấp lái xe máy nhận chuyển máu từ ngân hàng máu tới các bệnh viện trong thủ đô Abuja và thành phố Lagos, Nigeria.

Chú thích ảnh
Joseph Kalu, người vận chuyển máu cho LifeBank. Ảnh: CNN

Joseph Kalu mặc bộ đồng phục màu đỏ cùng tông với thùng hàng buộc sau xe máy. Anh chạy hết tốc độ trên chiếc xe máy băng qua đường phố tập nập tại Lagos (Nigeria). Anh phải hoàn thành công việc của mình: đưa máu tới một bệnh viện trong quận Ikeja.

Kalu là người vận chuyển cho LifeBank – một công ty nhận chuyển máu và oxy thành lập được 3 năm tại quốc gia Tây Phi này. 

Theo kênh CNN, mỗi năm Nigeria cần tới 1,8 triệu đơn vị máu. Tuy nhiên, Cơ quan Truyền máu Quốc gia chỉ dự trữ được khoảng 66.000 đơn vị/năm, dẫn đến tình trạng thiếu hụt hơn 1,7 triệu đơn vị máu trong năm 2017.

LifeBank cho biết công ty đang tìm cách cải thiện tình hình bằng cách khuyến khích người dân Nigeria hiến máu và giao máu tới bệnh nhân cần khẩn.

Công việc hàng ngày của Kalu là tới các ngân hàng máu, nhận hàng và đựng trong một thùng vận chuyển giữ lạnh. Cuối cùng, anh phải đưa số máu đó tới bệnh viện chỉ định nhanh nhất có thể.

Di chuyển trên các tuyến phố tấp nập tại Lagos bằng xe máy khiến anh đi nhanh hơn các phương tiện khác. Tuy nhiên, một trong những trợ thủ đắc lực giúp anh hoàn thành nhiệm vụ chuyển hàng phải kể đến là ứng dụng Google Map.

“Ngay cả khi tôi biết đường, tôi vẫn sử dụng Google Map. Ứng dụng chỉ cho tôi đường ngắn nhất, đặc biệt khi xảy ra tắc đường”, Kalu chia sẻ.

Qua một dự án hợp tác với Google Nigeria, LifeBank phối hợp với Google Map cho ra đời một ứng dụng trên điện thoại di động, dựng lên một bản đồ kết nối giữa bác sĩ, ngân hàng máu, bệnh viện và người vận chuyển.

“Mỗi lần có đơn hàng, đội chăm sóc khách hàng của LifeBank liên hệ với chúng tôi. Chúng tôi có thông báo qua ứng dụng ghi sẵn địa chỉ nơi chúng tôi lấy máu và chuyển máu tới. Google Map cũng hiện tuyến đường dẫn tới địa chỉ nhận”, Kalu giải thích.

Việc áp dụng công nghệ cho phép LifeBank cắt giảm đáng kể thời gian chuyển hàng, từ 3 giờ trước đây xuống còn 45 phút.

"Hệ thống của LifeBank cho thấy phép màu xảy ra khi các công cụ và thông tin kết hợp với sự sáng tạo, khát vọng của con người", Mojolaoluwa Aderemi-Makinde, trưởng nhóm tiếp thị của Google tại châu Phi, tuyên bố.

Chú thích ảnh
Người sáng lập LifeBank - cô Temie Giwa-Tubosun. Ảnh: CNN

LifeBank là đứa con tinh thần của Temie Giwa-Tubosun - một nhà quản lý về dịch vụ y tế từng gặp sự cố về truyền máu khi cô mang thai tháng thứ 7 vào năm 2014.

Giwa-Tubosun được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện và các bác sĩ ngay lập tức tiến hành mổ lấy thai.
"Tôi nhận ra sau khi sinh con, nguyên nhân gây tử vong mẹ cao nhất là băng huyết sau sinh. Điều quan trọng nhất bạn có thể làm khi người mẹ bị xuất huyết là truyền lượng máu mà cô ấy đã mất trong quá trình sinh", Giwa-Tubuson giải thích.

Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Dân số châu Phi, tình trạng băng huyết sau sinh (chảy máu quá nhiều sau khi sinh con) chiếm 23% tổng số ca tử vong ở người mẹ ở Nigeria và 14% trên toàn cầu.

Giwa-Tubosun nói rằng việc biết mình có thể đã chết khi sinh con đã thúc đẩy sáng kiến nghĩ ra cách để bệnh nhân dễ tiếp cận máu hơn.

Tiêu chuẩn về thời gian lưu trữ máu và huyết tương là 6 tuần. Chính vì vậy, nhiều đơn vị máu hết hạn trước khi được đưa tới cho bệnh nhân vì các bác sĩ gặp khó khăn trong việc tìm đúng loại máu mà họ cần.

Giwa-Tubosun nhận thấy không có phương tiện hay công cụ liên lạc đã khiến các bác sĩ khó có được loại máu mình cần, trong khi các ngân hàng lại phải bỏ đi những đơn vị máu đã hết hạn 6 tuần.

Kể từ khi thành lập vào năm 2016, LifeBank đã huy động được vốn hàng nghìn USD, ra mắt chi nhánh trên ba bang ở Nigeria, phục vụ tại hơn 300 bệnh viện từ 52 ngân hàng máu và cứu sống tới 4.000 người.

Video một ngày làm việc của người vận chuyển máu LifeBank (nguồn: CGTN):

 

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Nhóm máu quý như vàng, cả thế giới chỉ 43 người có
Nhóm máu quý như vàng, cả thế giới chỉ 43 người có

Rh-null (Rh vô giá trị) hay còn gọi máu “vàng” là nhóm máu cực hiếm. Trong 50 năm qua mới chỉ xác định được 43 người trên thế giới sở hữu nhóm máu này. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN