Theo trang The Guardian (Anh), các nhà khoa học thuộc Viện Fisioterapici Ospitalieri tại Rome (Italy) mới đây đã phát hiện ra rằng những nhân viên y tế mắc bệnh béo phì chỉ tạo ra khoảng một nửa lượng kháng thể sau khi tiêm vaccine Pfizer/BioNTech mũi thứ 2, so với những người khỏe mạnh.
Dù còn quá sớm để khẳng định điều này có ý nghĩa như thế nào đối với hiệu quả của vaccine, nhưng các nhà khoa học cho rằng những người béo phì cần được tiêm thêm một liều vaccine tăng cường để đảm bảo cơ thể tạo ra đủ kháng thể ngăn ngừa virus SARS-CoV-2.
Một nghiên cứu trước đây cho rằng người béo phì, những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 30, có nguy cơ tử vong cao hơn 50% và nguy cơ nhập viện cao hơn 113% nếu mắc COVID-19.
Do thường mắc các bệnh tiềm ẩn khác, chẳng hạn như bệnh tim, bệnh tiểu đường tuýp 2, nên những người béo phì có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn. Bên cạnh đó, lượng mỡ thừa trong cơ thể cũng có thể gây ra những thay đổi về trao đổi chất, như kháng insulin, khiến cơ thể khó chống lại việc nhiễm virus.
Tình trạng kháng insulin ở mức độ thấp diễn ra liên tục cũng có thể làm suy yếu một số phản ứng miễn dịch nhất định. Một nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng vaccine cúm chỉ có hiệu quả một nửa ở những người béo phì so với những người có khỏe mạnh có cân nặng bình thường.
Nghiên cứu mới cung cấp bằng chứng đầu tiên cho thấy tình trạng tương tự có thể xảy ra với vaccine COVID-19.
Ông Aldo Venuti thuộc Viện Fisioterapici Ospitalieri và các đồng nghiệp đã đánh giá phản ứng kháng thể sau 2 mũi vaccine Pfizer/BioNTech ở 248 nhân viên y tế. Bảy ngày sau khi được tiêm mũi thứ hai, 99,5% trong số họ đã phát triển phản ứng kháng thể, phản ứng này mạnh hơn phản ứng được ghi nhận ở những người đã từng mắc COVID-19. Tuy nhiên, phản ứng đã không xảy ra ở những người thừa cân và béo phì.
“Vì béo phì là một yếu tố chính dẫn đến nguy cơ mắc bệnh và tử vong do COVID-19, nên bắt buộc phải lập kế hoạch cho một chương trình tiêm chủng hiệu quả trong phân nhóm này,” ông Aldo nói.
Theo các nhà khoa học, dù cần có các nghiên cứu sâu hơn, nhưng kết quả này có thể có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển các chiến lược tiêm phòng COVID-19, đặc biệt là ở những người béo phì.
Ông Danny Altmann, Giáo sư miễn dịch học tại Đại học Hoàng gia London, cho rằng BMI là một yếu tố dự báo rất lớn về phản ứng miễn dịch kém với vaccine.
“Dù chỉ dựa trên dữ liệu sơ bộ khá nhỏ, nhưng nghiên cứu này rất thú vị. Nó khẳng định rằng tất cả người dân được tiêm chủng không đồng nghĩa với tất cả người dân đều có miễn dịch, đặc biệt là ở một quốc gia có tỷ lệ béo phì cao. Nghiên cứu cũng nhấn mạnh nhu cầu quan trọng của các chương trình theo dõi miễn dịch lâu dài”, ông Altmann nói.