"Súng bắn da" SkinGun hứa hẹn trả lại cuộc sống bình thường cho người bị bỏng. |
Cơ thể người có khoảng 1,95 m2 da. Theo Hiệp hội Bỏng Mỹ, ước tính mỗi năm nước này có khoảng 486.000 trường hợp bỏng cần được điều trị và gần 40.000 ca phải nhập viện. Ngoài điều trị bằng tia laser hay tia X, phương pháp cơ bản hiện được sử dụng để điều trị vết thương bỏng là ghép da.
Tuy nhiên, thủ thuật lấy vùng da khỏe mạnh của người bệnh để ghép vào vùng da bị tổn thương là quá trình điều trị gây đau đớn, và lại tạo ra một vùng da mới cần được chữa lành. Theo bác sĩ cấp cứu Robert Glatter tại bệnh viện Lenox Hill ở New York, “tỷ lệ ghép da thành công thường thấp”.
Ngoài việc tỷ lệ thành công thấp, quá trình điều trị bỏng tại bệnh viện tương đối dài. Bệnh nhân sử dụng các phương pháp điều trị vết thương bỏng truyền thống bên cạnh việc tái khám còn phải đối mặt với các rủi ro nhiễm trùng hay bị sẹo vĩnh viễn, có thể dẫn đến những tổn thương về mặt tâm lý cho người bệnh. Trong nhiều trường hợp, các vết sẹo còn gây ra đau đớn và mất chức năng hoạt động của các bộ phận trên cơ thể.
Tuy nhiên, với công nghệ tế bào gốc hiện đại, SkinGun hứa hẹn mang đến một câu chuyện khác khi triệt tiêu các rủi ro trong những cách tiếp cận điều trị bỏng thông thường.
Sản phẩm phòng thí nghiệm SkinGun là đứa con tinh thần của công ty công nghệ sinh học RenovaCare có trụ sở ở thành phố New York (Mỹ), được bác sĩ Jorg Gerlach, Viện Dược phẩm Tái tạo McGowan tại trường Đại học Pittsburgh (Mỹ) phát triển trong một thập kỷ dựa trên những nghiên cứu tiên tiến về công nghệ bào tế bào gốc.
Theo cách tiếp cận của SkinGun, các tế bào gốc của bệnh nhân sau khi được tách ra từ một vùng da không bị tổn thương có diện tích chỉ khoảng 6,45 cm2 sẽ được ngâm vào dung dịch rồi đưa vào bên trong ống syringe. “Súng tạo da” SkinGun sau đó sẽ phun dung dịch tế bào gốc của bệnh nhân lên vết thương để kích thích quá trình tái tạo da của người bệnh.
So với kim tiêm và ống syringe thông thường chỉ tạo ra 91 giọt chất lỏng, SkinGun có thể phun trên 20.000 giọt tương đồng trên vùng da bị tổn thương. Toàn bộ quá trình trích xuất tế bào gốc và phun dung dịch lên vết thương bệnh nhân chỉ diễn ra trong vỏn vẹn 90 phút. Sau khi vùng da bị tổn thương được phun dung dịch tế bào gốc, bệnh nhân chỉ mất vài ngày để vết thương liền lại hoàn toàn.
Khả năng hồi phục thần kỳ SkinGun mang lại cho anh Matthew Uram.
|
Anh Matthew Uram 44 tuổi, cảnh sát bang Pennsylvania (Mỹ) không may bị bỏng trong một vụ tai nạn năm 2009. Anh là một trong những người đầu tiên chọn công nghệ đang ở giai đoạn thí nghiệm SkinGun để điều trị vết thương bỏng cấp độ 1 và 2 ở vùng mặt phải, vai và cánh tay phải. Sau 4 ngày được điều trị, vết thương của anh Uram được chữa lành và không để lại sẹo. Hơn một năm sau, anh cho biết không còn thấy đau đớn, căng cơ. “Cứ như thể tôi chưa bao giờ bị bỏng vậy”, anh Uram chia sẻ.
Giải thích thêm về công nghệ tế bào gốc của SkinGun, ông Thomas Bold, kĩ sư, chủ tịch và giám đốc điều hành của RenovaCare cho biết: “Chúng tôi không biến đổi các tế bào mà tách chúng khỏi lớp mô xung quanh, đặt vào ống syringe có dung môi nước trước khi phun vào vết thương”. Theo khẳng định của ông Bold, “điều chúng tôi đang làm là hoàn toàn tự nhiên”.
Theo báo cáo thí nghiệm, tỷ lệ sống sót của các tế bào gốc được trích xuất, ngâm trong dung dịch và phun lên bề mặt da tổn thương của bệnh nhân là 97,3%, một con số vô cùng quan trọng trong việc tái tạo da của bệnh nhân. Dù sản phẩm có đăng ký sáng chế này chưa được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) thông qua để được phép bán rộng rãi cho các cơ sở y tế tại Mỹ, nhưng các cuộc điều trị thí nghiệm đã diễn ra ở Mỹ và Đức trên 20 người đều cho kết quả khả quan.
Công nghệ tiên tiến của SkinGun mang lại hy vọng cho người bị bỏng. |
Tạp chí Burns gần đây đã đăng một bản báo cáo chi tiết về công trình nghiên cứu SkinGun của RenovaCare. Bác sĩ Jörg Gerlach, tác giả chính của bản báo cáo và là giáo sư khoa phẫu thuật tại Đại học Pittsburgh cho biết, việc thí nghiệm công nghệ mới này ở Pittsburgh trong giai đoạn tiền sản phẩm đều cho các kết quả tốt. Tuy nhiên, ông cho hay ông cùng các đồng nghiệp “chỉ đang bắt đầu giai đoạn lên kế hoạch nghiên cứu trên người bệnh với RenovaCare”.
Cách điều trị vết thương bỏng của SkinGun được đánh giá là bước cải tiến quan trọng so với các phương pháp tái tạo da trong phòng thí nghiệm hiện hành lẫn các ca phẫu thuật ghép da hiện đại. Tuy nhiên các chuyên gia trong và ngoài công ty công nghệ sinh học này dự đoán có thể sẽ phải mất nhiều năm trước khi sản phẩm này được sản xuất quy mô lớn trên thị trường.
Đánh giá SkinGun dựa trên công nghệ tế bào gốc là phát minh đầy triển vọng và các kết quả thí nghiệm cho thấy công nghệ này hoàn toàn khả thi. Bác sĩ cấp cứu Robert Glatter tại bệnh viện Lenox Hill ở New York tin rằng cần có thêm kết quả từ nhiều nghiên cứu khác trước khi SkinGun nhận được sự ủng hộ của cộng đồng các trung tâm điều trị bỏng tại Mỹ.
Trong khi chờ đợi được FDA thông qua, SkinGun của RenovaCare vẫn đang tiếp tục được các nhà khoa học nghiên cứu và phát triển, hướng tới việc điều trị các vết bỏng độ 3. Đồng thời, “đạt được cấp phép của FDA là điều chúng tôi đang nỗ lực hiện nay”, ông Bold khẳng định.