Kế hoạch này được công bố dựa trên đề xuất của Ủy ban WHO giám sát việc chỉnh sửa gien người. Theo đó, WHO sẽ triển khai giai đoạn đầu thành lập cơ quan đăng ký các công trình nghiên cứu về cả chỉnh sửa gien phôi thai và tế bào gốc sinh dưỡng (soma). Chỉnh sửa gien phôi thai có thể di truyền cho thế hệ sau, trong khi sửa đổi tế bào gốc sinh dưỡng thì không.
Phát biểu tại cuộc họp của ủy ban trên ở Geneva (Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc WHO Tedro Adhanom Ghebreyesus cho biết các công nghệ chỉnh sửa gien mới hứa hẹn đem lại hy vọng cho những người mắc các căn bệnh tưởng chừng không có phương pháp điều trị.
Tuy nhiên, ông Ghebreyesus lưu ý một số trường hợp ứng dụng công nghệ tiên tiến này gây ra "những thách thức chưa từng có” về vấn đề pháp lý, đạo đức, xã hội và kỹ thuật.
Hiện khoảng 30 nước trên thế giới đã ban hành các quy định trực tiếp hoặc gián tiếp cấm mọi hành vi chỉnh sửa gien phôi thai người. Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh các quốc gia trên thế giới không nên cho phép các nhà khoa học tiếp tục tiến hành chỉnh sửa gien phôi người cho đến khi các vấn đề đạo đức và kỹ thuật được xem xét đầy đủ.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi giới chuyên gia kêu gọi chấm dứt mọi công tác liên quan đến chỉnh sửa gien phôi người, kỹ thuật từng được sử dụng tại Trung Quốc năm ngoái. Tháng 11/2018, nhà khoa học Trung Quốc Hạ Kiến Khuê thông báo đã chỉnh sửa thành công ADN của cặp bé gái song sinh từ một người cha dương tính với HIV.
Cặp song sinh này có ADN được chỉnh sửa bằng kỹ thuật CRISPR nhằm ngăn ngừa khỏi bị nhiễm HIV. Thông tin này lập tức vấp phải sự phản đối kịch liệt của cộng đồng quốc tế. Nhà chức trách đã yêu cầu ông Hạ Kiến Khuê dừng cuộc thử nghiệm và mở cuộc điều tra vụ việc.
Thông báo của nhà khoa học Trung Quốc gây chấn động cộng đồng khoa học quốc tế, cũng như làm dư luận thế giới dấy lên nghi ngờ về vấn đề đạo đức và mối nguy hại do việc chỉnh sửa gien người. Tháng 12/2018, WHO đã lập ủy ban gồm 18 chuyên gia để giám sát hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực này.