Theo trang Daily Mail (Anh), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 27/3 đã tiết lộ rằng mọi người ít có khả năng bị nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) thông qua việc giao nhận hàng hoá thương mại, bao gồm cả những hàng hoá được vận chuyển qua bưu điện.
“Khả năng người nhiễm bệnh lây nhiễm virus SARS-CoV-2 qua hàng hoá thương mại là rất thấp. Rủi ro nhiễm virus gây bệnh COVID-19 từ một kiện bưu phẩm hàng hoá phơi nhiễm và được vận chuyển ở các điều kiện và nhiệt độ khác nhau cũng rất thấp”, một tuyên bố của WHO cho biết.
Tính đến ngày 29/3, đã có 670.089 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 và 31.748 ca tử vong vì COVID-19. Trước bối cảnh dịch bệnh lây lan nhanh chóng, các nhà khoa học trên khắp thể giới đang đẩy mạnh nghiên cứu tìm hiểu chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) có thể tồn tại bao lâu trên các bề mặt khác nhau trong những điều kiện nhất định.
Một nghiên cứu cho thấy “mức độ lây lan đáng kể của virus truyền nhiễm có thể được phát hiện ở lớp ngoài của khẩu trang y tế” sau 7 ngày. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu Mỹ nhận định virus SARS-CoV-2 không có khả năng tồn tại sau 24 giờ trên bìa carton. Điều này cho rủi ro mắc bệnh từ việc sử dụng dịch vụ bưu chính là tương đối thấp. Trong đó, virus tồn tại trên giấy in, bao gồm báo, chỉ có thể sống sót trong 3 giờ.
Những phát hiện ban đầu từ các nhà nghiên cứu tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc) đã phát hiện virus SARS-CoV-2 có tính ổn định cao trong thời gian dài ở nhiệt độ 4 độ C. Ở nhiệt độ phòng, loại virus này có thể tồn tại trong 7 ngày nếu không điều trị, nhưng nếu người bệnh được điều trị, virus có thể bị tiêu diệt sau 14 ngày.
“Đối với giấy in và khăn giấy, virus không có dấu hiệu sống sót sau khi nuôi cấy trong 3 giờ”, nghiên cứu cho biết.
Nhà virus học George Lomonossoff thuộc Đại học Hong Kong cho rằng các tờ báo có rủi ro nhiễm virus SARS-CoV-2 thấp vì chúng khá vô trùng do quá trình in ấn và sản xuất.
“Không có virus truyền nhiễm sống sót trên vải và thép không gỉ. Đáng chú ý, một mức độ sống sót đáng kể của virus vẫn có thể được phát hiện ở lớp ngoài của khẩu trang y tế vào ngày thứ 7. Điều này cho thấy SARS-CoV-2 vô cùng ổn định trên bề mặt này”, các tác giả nghiên cứu cho biết.
Các nhà khoa học cũng phát hiện rằng khi được xử lý bằng bất kỳ hình thức khử trùng nào,tất cả các bề mặt đều không tồn tại virus trong vòng 5 phút.
Một bài báo gần đây được công bố trên Tạp chí Y học New England đã so sánh virus gây bệnh COVID-19 với SARS - căn bệnh khiến 774 người tử vong gần 20 năm trước.
“So với đồng và bìa cứng, SARS-CoV-2 có tính ổn định hơn trên nhựa và thép không gỉ vì chúng vẫn còn tồn tại sau 72 giờ trên các bề mặt này. Trong khi đó, virus không thể tồn tại trên đồng sau 4 giờ và cũng không thể phát hiện virus SARS-CoV-2 trên bìa cứng sau 24 giờ”, các nhà nghiên cứu viết.