Mặc dù vậy, bên cạnh việc khai thác thế mạnh từ biển thì việc khai thác, đánh bắt với cường độ cao cũng mang lại nhiều hệ lụy như cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, vi phạm đánh bắt trái phép thủy sản... Điều này đòi hỏi các cấp quản lý, các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang có các giải pháp, định hướng phát triển thủy sản hợp lý, bền vững, khôi phục nguồn lợi thủy sản.
Kiên Giang nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc, có bờ biển dài 200 km, vùng biển rộng hơn 63.000 km² giáp với các nước Thái Lan, Campuchia và Malaysia. Đây có thể coi là lợi thế, tiềm năng, điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế thủy sản của tỉnh; trong đó có khai thác thủy sản.
Vươn ra đánh bắt xa bờ
Khai thác thủy sản biển ở Kiên Giang với gần 20 loại nghề, nhưng tập trung ở các nghề chính gồm: lưới kéo, lưới rê, lưới vây và nghề câu. Sản lượng khai thác thủy sản hàng năm tăng, chiếm khoảng 16% tổng sản lượng cả nước và trên 40% sản lượng vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Dự tính năm 2018 trên 554.000 tấn, trong đó 9 tháng qua sản lượng khai thác khoảng 4.650 tấn, đạt hơn 79% kế hoạch. Sản phẩm thủy sản biển với nhiều loại có giá trị kinh tế cao như: tôm, mực,... phục vụ tiêu thụ nội địa và cung ứng nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, khai thác thủy sản biển những năm qua ở Kiên Giang đầu tư theo hướng giảm dần tàu thuyền công suất nhỏ đánh bắt ven bờ, phát triển tàu có công suất lớn đánh bắt xa bờ, vừa tăng sản lượng khai thác hàng năm, vừa góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền vùng biển đảo quốc gia.
Các tàu công suất từ 90 CV trở lên trang bị máy định vị vệ tinh, máy đo sâu dò cá, máy thông tin liên lạc vô tuyến điện tầm xa. Tàu công suất từ 400 CV trở lên đều trang bị hệ thống nhận dạng tự động và công nghệ mới trong bảo quản sản phẩm đã giúp cải thiện đáng kể về chất lượng, giảm tỷ lệ hao hụt sản phẩm sau khai thác, tăng thời gian bám biển cho các tàu.
Cùng với đó, ngành chức năng tỉnh Kiên Giang phối hợp các địa phương có biển tổ chức sản xuất trên ngư trường, thành lập khoảng 200 tổ, đội với hàng ngàn phương tiện và hàng chục ngàn lao động tham gia; hình thành các dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển để ngư dân vừa hỗ trợ, giúp đỡ nhau khi gặp thiên tai, rủi ro, tìm kiếm cứu nạn, giảm chi phí, đảm bảo chất lượng thủy sản, tăng thời gian khai thác đánh bắt trên ngư trường.
Điểm nổi bật quan trọng trong phát triển khai thác thủy sản biển là tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng nghề cá. Hiện, toàn tỉnh có 26 cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá, với khả năng đóng mới hơn 300 tàu/năm và sửa chữa trên 600 tàu/năm; trong đó 12 cơ sở đủ điều kiện đóng tàu công suất từ 400 CV trở lên đáp ứng nhu cầu đóng mới, sửa chữa tàu cá trong và ngoài tỉnh.
Hệ thống cảng cá, bến cá kết hợp với các khu neo đậu tránh, trú bão đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp phục vụ khai thác thủy sản biển. Hiện nay, tỉnh có hệ thống 5 cảng cá đang hoạt động gồm: Tắc Cậu (Châu Thành), An Thới (Phú Quốc), Nam Du (Kiên Hải), Lình Huỳnh (Hòn Đất), Xẻo Nhàu (An Minh). Đặc biệt, Cảng cá Tắc Cậu có sản lượng thủy sản lên bến lớn trong hệ thống cảng cá cả nước, tập trung hầu hết tàu đánh bắt xa bờ cập cảng, với công suất bốc dỡ sản phẩm thủy sản hàng hóa qua cảng 150.000 - 200.000 tấn/năm.
Ngoài ra, tỉnh còn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng ven biển và hải đảo, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh; trong đó có phát triển khai thác đánh bắt thủy sản. Đặc biệt là đưa điện quốc gia ra các đảo Phú Quốc, Hòn Tre, Lại Sơn, Hòn Nghệ, Sơn Hải.
Ông Nguyễn Văn Tâm nhấn mạnh, thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, đến nay có 59 tàu được phê duyệt đầu tư; các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng và giải ngân cho 48 tàu, với tổng số tiền cam kết cho vay hơn 332 tỷ đồng, đã giải ngân trên 320 tỷ đồng; hạ thủy 45 tàu đi vào hoạt động khai thác đánh bắt trên ngư trường. Lập quy hoạch tỷ 1/2000 và 1/500 triển khai dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Nghề cá lớn tại tỉnh Kiên Giang gắn với ngư trường Tây Nam bộ…
Tuy nhiên, khai thác thủy sản biển của Kiên Giang còn nhiều những khó khăn, bất cập. Thủy sản khai thác với cường lực cao đã làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều ngư dân Kiên Giang xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác đánh bắt thủy sản trái phép. Chất lượng sản phẩm khai thác không cao, bảo quản sản phẩm chưa được cải thiện. Khả năng tài chính của các chủ tàu cá còn khó khăn, trình độ lao động của ngư dân hạn chế…
Việc quản lý nghề cá còn bất cập, thiếu căn cơ, nhất là quản lý về số lượng tàu cá, nghề khai thác, trữ lượng khai thác nguồn lợi, mùa vụ; cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá tại các cảng cá chưa đảm bảo, thiếu tính đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nghề cá.
Phát triển bền vững và hiệu quả
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, tỉnh tập trung đầu tư, phát triển ổn định, bền vững và hiệu quả lĩnh vực khai thác thủy sản biển. Phấn đấu đến năm 2020, giữ ổn định sản lượng khai thác thủy sản khoảng 500.000 tấn/năm, chú trọng nâng lên chất lượng sản phẩm, giá trị kinh tế gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản; giảm tỷ trọng sản lượng khai thác ven bờ 35%, tăng sản lượng khai thác xa bờ 65%; giảm dần số tàu thuyền khai thác xuống còn khoảng 10.000 chiếc.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng nhấn mạnh, để khai thác thủy sản biển phát triển ổn định, bền vững và hiệu quả trong thời gian tới, tỉnh quy hoạch tổ chức lại sản xuất phù hợp với từng nhóm nghề, ngư trường, vùng biển; kết hợp khai thác với bảo vệ, khôi phục, phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tỉnh sẽ quan tâm đầu tư hiện đại hóa các trang thiết bị, ngư cụ khai thác; ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất để nâng cao giá trị sản xuất cho ngư dân.
Tỉnh chuyển đổi cơ cấu nghề theo hướng đẩy mạnh khai thác xa bờ, hạn chế khai thác ven bờ, không cho đóng mới tàu công suất nhỏ đánh bắt ven bờ; giảm dần những nghề khai thác đánh bắt gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái. Duy trì và phát triển những nghề có tính chọn lọc cao, thân thiện với môi trường, chú trọng các nghề câu khơi, vây khơi, lưới rê… và giảm mạnh các nghề lưới kéo.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, ngành sẽ điều tra, giám sát, đánh giá nguồn lợi thủy sản, thu thập thông tin nghề cá và dự báo ngư trường phục vụ phát triển nghề cá bền vững; tổ chức lại quản lý tàu cá, cường lực khai thác, nghề và mùa vụ đánh bắt, ngư trường khai thác phù hợp với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản đối với từng vùng biển. Ngành cũng phát triển mô hình tổ chức cộng đồng quản lý nghề cá cho từng vùng biển ven bờ; tổ chức sản xuất trên ngư trường theo mô hình tổ, đội và hình thành các dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển.
Tỉnh tổ chức lại hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, xây dựng và phát triển các mô hình liên kết, liên doanh, bảo đảm ổn định tiêu thụ sản phẩm. Quy hoạch chi tiết, đầu tư hình thành các trung tâm nghề cá lớn gắn với các ngư trường trọng điểm.
Tỉnh rà soát, bổ sung quy hoạch hệ thống cảng cá, bến cá trên địa bàn, sớm đầu tư hoàn thiện đưa vào sử dụng kết hợp với các khu neo đậu tránh, trú bão gồm: Cảng cá Tắc Cậu, An Thới, Dương Đông, Thổ Châu, Bãi Vòng, Nam Du, Hòn Ngang, Ba Hòn, Lình Huỳnh, Xẻo Nhàu; các bến cá Lại Sơn, Hòn Tre, Mương Đào, Tiên Hải, Gành Dầu, Vàm Răng, Xẻo Rô, Kim Quy... Tỉnh đẩy mạnh hợp tác với các nước trong khu vực và thế giới để đưa tàu cá và ngư dân Kiên Giang đi khai thác hợp pháp tại vùng biển đặc quyền kinh tế của các nước và các vùng lãnh thổ.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Quảng Trọng Thao cho biết, tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp quyết liệt để ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ hoạt động khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, góp phần cùng cả nước gỡ bỏ “thẻ vàng” của Uỷ ban châu Âu đối với thủy sản Việt Nam.
Bài 2: Khôi phục nguồn lợi thủy sản