Nhằm giải quyết những khó khăn trước mắt, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam đang nỗ lực đa dạng hoá sản phẩm cá ngừ, đẩy mạnh tiêu thụ ở thị trường trong nước.
Kích cầu tiêu dùng nội địa
Qua khảo sát các địa phương có hoạt động khai thác cá ngừ đại dương, phục vụ cho chế biến và xuất khẩu, kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát đến nay nhiều tàu câu cá ngừ phải nằm bờ bởi xuất khẩu cá ngừ gặp bế tắc. Cuộc sống của nhiều gia đình gắn liền với nghề câu cá ngừ đại dương cũng vì thế lâm vào khó khăn. Nhằm giải quyết những vấn đề này, các chuyên gia trong ngành thủy sản cho rằng phải đa dạng sản phẩm chế biến từ cá ngừ, tăng sức tiêu thụ ở thị trường trong nước.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, trước đây, người dân muốn thưởng thức mắt cá ngừ, hoặc các sản phẩm phi lê cá ngừ đại dương quả không dễ dàng. Bởi, sản lượng cá ngừ đại dương đánh bắt được không đủ đáp ứng các đơn hàng nhập khẩu của thị trường châu Âu và Nhật Bản. Không những vậy, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá ngừ đại dương phải nhập khẩu cá ngừ nguyên liệu từ các quốc gia khác mới đủ cung ứng cho thị trường nhập khẩu.
Thế nhưng, hiện nay chỉ với 45.000 đồng, người tiêu dùng nội địa có thể mua được một mắt cá ngừ đại dương đã được chế biến, đóng gói... Với sản phẩm cá ngừ phi lê, cũng chỉ ở mức 240.000 đồng/kg.
Theo ông Trần Văn Tân, Giám đốc Sở Công Thương Phú Yên, giá cá ngừ đại dương hiện nay khá mềm, người tiêu dùng nội địa có mức thu nhập trung bình vẫn có thể mua cá ngừ để chế biến món ăn trong gia đình. Nếu như trước đây, những con cá ngừ đại dương nặng hàng chục ki-lô-gam chỉ để xuất khẩu, thì nay người tiêu dùng trong nước dễ dàng thưởng thức.
Ông Tân cho biết thêm, vài năm trở lại đây, các cửa hàng cung ứng cá ngừ đại dương xuất hiện nhiều ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, nơi có đội tàu hành nghề câu cá ngừ đại dương lớn nhất tỉnh... Nhiều cơ sở cung ứng sản phẩm cá ngừ đại dương cũng đã đổi phương pháp tiếp thị sang quảng bá trên các trang mạng xã hội, nhằm thu hút nhiều sự chú ý của người tiêu dùng hơn.
Nhiều khách hàng ở xa, bây giờ cũng dễ dàng đặt mua, thậm chí có khách hàng mua cả con cá ngừ đại dương. Tăng được sức tiêu thụ ngay tại thị trường trong nước là điều hết sức có ý nghĩa trong thời gian này, bởi nhiều tháng nay, xuất khẩu cá ngừ đại dương gặp ách tắc.
Cá ngừ là một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đem lại kim ngạch khoảng 700 triệu USD mỗi năm. Việc tăng kim ngạch xuất khẩu cho mặt hàng cá ngừ vẫn là mục tiêu đầu tiên, nhưng trong bối cảnh thị trường bị ảnh hưởng bởi COVID-19, thì một trong những hướng gỡ khó đầu ra cho cá ngừ vẫn là chú ý đến phân khúc thị trường trong nước.
Để kích cầu tiêu thụ nội địa đối với các mặt hàng thủy sản; trong đó có cá ngừ đại dương, hàng loạt vấn đề cần phải giải quyết như: chủng loại sản phẩm phải đa dạng, chất lượng phải đảm bảo, giá cả phải hợp lý... Thực ra, những điều này, hoàn toàn có thể giải quyết được, nhất là khi công nghệ chế biến cá ngừ của các doanh nghiệp tại Phú Yên nói riêng và các doanh nghiệp chế biến cá ngừ trong nước nói chung vẫn nổi trội hơn so với nhiều quốc gia khác.
Đề xuất gắn nhãn sinh thái cho cá ngừ đại dương
Sản phẩm cá ngừ đại dương xuất khẩu luôn được ưu tiên về chất lượng, truy xuất nguồn gốc và an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, với hiện trạng khó khăn do dịch bệnh COVID-19 hiện nay, việc đầu tư chất lượng sản phẩm cá ngừ đại dương để phục vụ thị trường nội địa đóng vai trò quan trọng không kém.
Các chuyên gia về thuỷ sản cho rằng, việc gắn nhãn sinh thái, truy xuất nguồn gốc cho cá ngừ sẽ bắt đầu cải thiện nghề cá trước tình trạng khai thác quá mức hiện nay. Từ năm 2014, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên, Tổng cục Thủy sản đã bắt đầu triển khai Dự án cải thiện nghề cá đối với nghề câu cá ngừ đại dương ở ba tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa.
Cùng với dự án này, khai thác và chế biến cá ngừ ở Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực và đó cũng chính là cơ sở để cá ngừ Việt Nam được gắn nhãn sinh thái. Như vậy, khai thác cá ngừ nói riêng và nghề cá nói chung của Việt Nam không thể nằm ngoài yêu cầu phát triển bền vững.
Từ lâu nay, cá ngừ do ngư dân Việt Nam khai thác được các doanh nghiệp trong nước chế biến, xuất khẩu nhưng chưa được gắn nhãn sinh thái. Điều này cũng đồng nghĩa mất đi cơ hội để nâng giá trị cho mặt hàng cá ngừ. Nói cách khác, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sẽ cao hơn, không chỉ ở mức 700 triệu USD mỗi năm nếu cá ngừ được gắn nhãn sinh thái MSC.
Từ năm 2014, nghề khai thác cá ngừ ở Việt Nam đã bắt đầu thay đổi theo hướng tuân thủ các quy định mà Ủy ban Thủy sản Tây và Trung Thái Bình Dương đưa ra. Mỗi năm, chỉ riêng sản lượng khai thác cá ngừ đại dương đã đạt 17.000 - 18.000 tấn. Để được gắn nhãn sinh thái, vẫn còn nhiều nội dung mà nghề khai thác cá ngừ cần phải hoàn thiện theo hướng khai thác có trách nhiệm. Đây không chỉ là yêu cầu đối với riêng khai thác cá ngừ mà cũng là hướng đi chung của nghề cá Việt Nam.
Ông Kiyoshi Kimura, chủ chuỗi cửa hàng sushi Nhật Bản, người đã ký kết thu mua toàn bộ sản phẩm cá ngừ do ngư dân Phú Yên câu được, cho rằng, gắn nhãn sinh thái cho sản phẩm cá ngừ cũng là một hình thức xây dựng thương hiệu cho cá ngừ Việt Nam, khẳng định nghề cá Việt Nam muốn hướng đến phát triển một nghề cá bền vững, chất lượng.
Ông Kiyoshi Kimura cho biết thêm, cá ngừ đại dương là một ngành hàng hứa hẹn mang lại nhiều lợi nhuận và khẳng định tên tuổi Việt Nam trên trường quốc tế. Để đẩy mạnh sự phát triển bền vững của ngành hàng này, không cách nào khác ngoài việc tập trung xây dựng thương hiệu để có khả năng cạnh tranh tại các thị trường trọng điểm tiêu thụ cá ngừ. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm cá ngừ để khẳng định vị thế thương hiệu với người tiêu dùng.