Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, lắp đặt thiết bị VMS là điều kiện bắt buộc đối với tàu cá tàu có chiều dài từ 15 m trở lên theo quy định của Luật Thủy sản 2017 và Điều 44 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Từ đầu tháng 10/2019, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá của ngư dân trong tỉnh được chính thức triển khai và thực hiện một cách quyết liệt.
Tính đến tháng 9/2020, số tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên được lắp đặt VMS chiếm 88,6% tổng số tàu các toàn tỉnh; trong đó, 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên đang hoạt động đều đã lắp đặt (35/35 tàu cá).
Cùng với việc tăng cường kiểm tra quá trình lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá tại các địa phương; hướng dẫn lắp đặt thiết bị có tính năng phù hợp gắn trên nhóm tàu cá hoạt động vùng biển xa bờ có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài…, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận đã thành lập và đầu tư trang bị cơ bản Trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá tại Chi cục Thủy sản.
Cùng với đó, 3 Trạm dữ liệu cũng được hình thành tại 3 Văn phòng Đại diện kiểm soát nghề cá tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh. Bước đầu, Trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá và các Trạm dữ liệu đã vận hành phục vụ có hiệu quả đa mục tiêu quản lý tàu cá, đảm bảo kết nối đồng bộ với Trung tâm dữ liệu Trung ương.
Qua hơn 6 tháng chính thức hoạt động, thông qua Trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá, các lực lượng chức năng đã phát hiện, cảnh báo và gọi quay về vùng biển Việt Nam đối với 12 trường hợp tàu cá vượt ranh giới vùng biển Việt Nam.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, toàn tỉnh Bình Thuận còn khoảng hơn 200 tàu cá chưa thực hiện lắp đặt thiết bị VMS. Qua rà soát tại các địa phương cho thấy, một số trường hợp tàu cá chưa lắp đặt là do tàu cá sang nhượng đang làm thủ tục; một số chủ tàu gặp khó khăn về tài chính, làm ăn thua lỗ…
Để hoàn thành việc lắp đặt VMS trên tàu cá, sở phối hợp với các địa phương rà soát lại từng trường hợp tàu cá, chủ tàu cụ thể để có phương án giải quyết.
Bên cạnh đó, các lực lượng kiểm ngư, biên phòng tiếp tục triển khai đồng loạt việc kiểm tra, kiểm soát tại các cửa biển, khu vực neo đậu để kiểm soát tàu cá chưa lắp đặt VMS, cảnh cáo nghiêm khắc mức phạt, kiên quyết không cho xuất bến đi biển, xử lý nghiêm theo Nghị định số 42/CP của Chính phủ đối với chủ tàu cá đã được thông báo, cảnh báo, nhưng vẫn không thực hiện lắp đặt thiết bị.
Chi cục thủy sản tiếp tục hoàn thiện Trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá tỉnh, đảm bảo kết nối đồng bộ với Trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá Trung ương, khai thác có hiệu quả dữ liệu giám sát hành trình tàu cá trên biển để xử lý kịp thời các tình huống xảy ra.
Nhờ triển khai quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU nên liên tục từ đầu tháng 7/2019 cho đến nay, Bình Thuận không xảy ra tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho ngành thủy sản Bình Thuận đồng thời thể hiện được những nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ cấp từ tỉnh đến cơ sở ở Bình Thuận trong việc chung tay gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam.