Người dân xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu cho tôm hùm ăn qua các đường ống nối xuống các lồng nuôi. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN |
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) qua xét nghiệm 23 mẫu tôm hùm, mẫu thức ăn, mẫu nước và mẫu bùn tại 4 khu vực khác nhau trên vịnh Xuân Đài xác định môi trường nuôi đang bị ô nhiễm nặng.
Đặc biệt là ở tầng đáy do quá trình tích lũy thức ăn dư thừa, chất thải trong nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt trong thời gian dài. Diễn biến thời tiết bất thường kết hợp hiện tượng tảo phát triển mạnh tại khu vực nuôi gây hiện tượng thiếu oxy tầng đáy làm thủy sản chết.
Ngoài ra, mật độ nuôi quá dày cả về số lượng lồng, bè nuôi và mật độ thả nuôi tôm hùm trên mỗi lồng, bè dẫn đến ảnh hưởng quá trình nước ra vào trong vịnh, giảm khả năng tự làm sạch vùng nuôi và ảnh hưởng chất lượng nước vùng nuôi.
Ông Lê Quang Hiệp, Giám đốc Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản tỉnh Phú Yên cho biết, đã liên tục phối hợp với chính quyền xã, phường, Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã Sông Cầu khuyến cáo hộ nuôi nên di dời lồng đến vùng có mực nước sâu hơn, nơi nước được lưu thông tốt. Đồng thời, nâng lồng nuôi cách tầng đáy từ 2 mét đến 2,5 mét và cách tầng mặt 1,5 mét; không đặt lồng nuôi theo hình thức găm chìm.
Bên cạnh đó, người nuôi tôm hùm cần thường xuyên lặn, kiểm tra tình hình sức khỏe tôm hùm, vị trí đặt lồng nuôi để có giải pháp thay đổi độ sâu của lồng. Thường xuyên thu gom vỏ tôm lột, các loài thủy sản đã chết và vỏ nhuyễn thể làm thức ăn cho tôm hùm đưa vào đất liền chôn lấp, không được xả thải trong vịnh Xuân Đài. Lựa chọn thức ăn tươi đảm bảo chất lượng, bổ sung chế phẩm sinh học, vitamin và khoáng chất định kỳ nhằm tăng cường sức đề kháng cho tôm hùm....
Theo ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, UBND các xã, phường phường đang tiếp tục hướng dẫn các hộ nuôi thống kê, khai báo thiệt hại tôm hùm chết để có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nuôi bị thiệt hại.
Đồng thời, chỉ đạo các địa phương điều động lực lượng thanh niên xung kích, dân quân tự vệ và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xuân Đài giúp người dân di chuyển lồng, bè đến nơi an toàn trong khu vực vùng biển vịnh Xuân Đài.
Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND thị xã Sông Cầu, tính từ ngày 24/5 đến ngày 6/6 là khoảng thời gian cao điểm tôm hùm nuôi ở vịnh Xuân Đài chết hàng loạt; đã có trên 16.000.000 con tôm hùm của 693 hộ nuôi thuộc xã Xuân Phương và phường Xuân Yên bị chết, ước thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.