Nam Định nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả cao

Bằng việc chuyển đổi diện tích ruộng làm muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, hơn 10 năm qua, mô hình nuôi tôm thẻ của gia đình ông Bùi Ngọc Chinh, xóm Lê Lợi, xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm...

Năm 1981, sau khi xuất ngũ trở quê hương, ông cùng vợ tìm mọi cách nâng cao năng suất 4 sào muối với mong muốn phát triển kinh tế gia đình nhưng lúc đó giá muối thấp, chỉ mấy trăm đồng một kg. Hơn nữa, nghề muối chỉ làm trong 6 tháng nắng, những ngày mưa và mùa đông không làm được nên ông phải làm đủ nghề, từ cửu vạn, phụ hồ song thu nhập một ngày chỉ được gần 100.000 đồng không đủ tiền ăn, tiền học cho các con.

Ngư dân xã Hải Lý (huyện Hải Hậu) thu hoạch cá sau chuyến đi biển. Ảnh: Nguyễn Lành - TTXVN

Qua tìm hiểu trên địa bàn huyện Hải Hậu và các địa phương ven biển được biết, nhiều người đã chuyển đổi từ diện tích làm muối, cấy lúa hiệu quả thấp sang đào ao nuôi thủy sản cho thu nhập cao. Vì vậy, sau khi đi thăm quan, học hỏi cách làm của các hộ trên địa bàn, năm 2006, ông Chinh đã cải tạo 700m2 ruộng muối của gia đình thành đầm nuôi tôm sú. Ngay vụ tôm đầu tiên đã cho hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần làm muối nên ông mạnh dạn vay vốn ngân hàng, anh em bạn bè để tiếp tục mở rộng đầm, thả tôm với số lượng lớn.

Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm chăm sóc, phòng bệnh nên tôm sú sau khi thả được một thời gian thì bị bệnh chết trắng đầm, vốn liếng bỏ ra hoàn toàn mất trắng. Ông Chinh cho biết, vì gia đình không có điều kiện nên không lát bê tông quanh bờ đầm, ký sinh trùng gây bệnh phát sinh, cộng với nguồn nước bị ô nhiễm dẫn đến tôm bị bệnh chết gần hết. Không chấp nhận bỏ cuộc, rút kinh nghiệm sau thất bại, một mặt ông tham gia các lớp hướng dẫn nuôi tôm do huyện, xã tổ chức đồng thời tự tìm tài liệu nghiên cứu, mặt khác ông về các địa phương trong huyện tìm hiểu kĩ thuật chăm sóc, phòng dịch bệnh cho tôm.

Năm 2010, sau khi nắm vững quy trình nuôi tôm, ông Chinh tiếp tục đầu tư làm bờ kè đầm nuôi bằng bê tông, xử lý ao đầm, đầu tư mua máy lọc nước tạo môi trường sạch trước khi xuống giống. Cùng với đó, lựa chọn cơ sở sản xuất giống chất lượng và chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Nhờ chăm sóc, phòng bệnh đúng quy trình, tôm không bị nhiễm bệnh, phát triển tốt cho năng suất cao nên gia đình ông có điều kiện chuyển đổi thêm diện tích ruộng muối kém hiệu quả của gia đình cũng như thuê lại diện tích ruộng muối bỏ hoang của các hộ trong xã để mở rộng đầm nuôi tôm.

Với phương châm đầu tư từng bước, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế, đến nay gia đình ông Chinh đã chuyển hơn 10.000m2 diện tích làm muối kém hiệu quả sang nuôi tôm . Mỗi năm gia đình ông thu hoạch từ 10 - 15 tấn tôm thẻ chân trắng, trừ chi phí, giá trị thu về từ việc nuôi tôm đạt gần 1 tỷ đồng.

Theo ông Chinh, tôm thường nhạy cảm với môi trường nên n gười nuôi tôm cần thực hiện đúng quy trình nuôi thả, chăm sóc thì tôm mới phát triển tốt, hạn chế dịch bệnh. Gia đình ông đã đầu tư đào một ao lọc nước với thiết bị hiện đại để loại bỏ kí sinh trùng gây bệnh cho tôm và mua gần 40 máy tạo ô xi hoạt động liên tục. Nhờ đó, dù thời gian qua nhiều hộ nuôi tôm gặp khó khăn do tôm chết nhưng gia đình ông vẫn đạt được năng suất và thu lãi cao.


Ngoài việc nuôi tôm, để xoay vòng nguồn vốn, ông Chinh đã mở dịch vụ cung ứng thức ăn phục vụ nuôi trồng thủy sản cho nhân dân trong vùng. Mỗi năm gia đình cung cấp từ 200 - 300 tấn cám thức ăn cho các hộ. Không những chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, nếu ai cần tư vấn kĩ thuật nuôi và chăm sóc tôm ông Chinh cũng tận tình hướng dẫn giúp những cách làm hay, hiệu quả trong việc chuyển đổi từ làm muối sang nuôi thủy sản cho đến lựa chọn đối tượng con nôi...

Ông Vũ Viết Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Lý cho biết, mô hình nuôi tôm của gia đình ông Chinh là mô hình đầu tiên của xã thực hiện chuyển đổi ruộng làm muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao. Hiện nay, toàn xã có hơn 50 hộ nuôi trồng thủy sản theo mô hình này. Những năm gần đây, sản xuất muối gặp nhiều khó khăn, giá muối thấp, người dân không thiết tha bám đồng để sản xuất, diện tích đồng ruộng hoang hóa ngày một tăng. Do đó, cùng với việc đầu tư cải tạo kênh mương dẫn nước triều vào nội đồng, xã vận động, tạo điều kiện để người dân chuyển đổi diện tích làm muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, nhân rộng mô hình nuôi tôm thẻ của gia đình ông Chinh trên địa bàn toàn xã, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Nguyễn Lành (TTXVN)
Cơ hội cho thủy sản phát triển
Cơ hội cho thủy sản phát triển

Trong 5 năm trở lại đây, giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tăng không đáng kể, đạt dưới 7 tỷ USD/năm, trong đó cả hai mặt hàng quan trọng là tôm và cá tra đều giảm giá trị. Nguyên nhân chính là do chậm đổi mới công nghệ và dịch bệnh, thiếu các chiến lược đột phá khiến vị thế cạnh tranh của thủy sản Việt Nam suy giảm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN