Hiệu quả cao
Ông Hoàng Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định) cho biết, trước năm 2010, tỉnh Nam Định chỉ có 2 tàu cá vỏ thép công suất 600 CV được đóng theo dự án của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, còn lại hầu hết là tàu vỏ gỗ, công suất nhỏ. Ngư dân chủ yếu khai thác ở các ngư trường gần bờ, hiệu quả thấp, thu nhập bấp bênh khiến không ít chủ tàu cá bỏ nghề, chuyển nghề khác.
Triển khai Nghị định 67, tính đến tháng 10/2018, UBND tỉnh Nam Định đã phê duyệt cho 60 tổ chức, cá nhân vay vốn đóng mới tàu vỏ thép. Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã ký hợp đồng tín dụng cho vay vốn đóng mới 36 tàu, tổng số tiền giải ngân trên 563 tỷ đồng. Theo kết quả kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cũng như báo cáo của các chủ tàu, từ khi hạ thủy, tất cả 36 tàu cá vỏ thép đều hoạt động hiệu quả.
Các tàu sử dụng lưới rê, thời gian mỗi chuyến đi biển kéo dài từ 10 - 20 ngày, sản lượng khai thác đạt từ 1,2 - 2 tấn cá, doanh thu bình quân từ 150 - 250 triệu đồng/chuyến. Đối với các tàu sử dụng lưới chụp, thời gian mỗi chuyến đi biển thường từ 15 - 20 ngày, doanh thu bình quân đạt từ 250 - 400 triệu đồng/chuyến, đặc biệt có những tàu đạt doanh thu trên 4 tỷ đồng/năm. Sau khi trừ chi phí nhiên liệu, lương của thuyền viên, nhu yếu phẩm, mỗi tàu còn lãi khoảng một nửa trong số doanh thu của tàu/chuyến biển.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Nam Định, trong các năm 2016 - 2017, đa số các chủ tàu cá trả gốc và lãi vay đầy đủ, đúng hạn cho các ngân hàng thương mại.
Ông Nguyễn Văn Thông, xã Hải Chính, huyện Hải Hậu (Nam Định) cho hay, trước đây, gia đình có một chiếc tàu vỏ gỗ công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ, hiệu quả thấp. Năm 2015, gia đình ông làm thủ tục vay trên 13,6 tỷ đồng đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67, công suất 1.055 CV, đánh bắt bằng lưới rê.
Tàu hoàn thành, hạ thủy, đi vào hoạt động từ tháng 5/2016. Tàu đã thực hiện trên 30 chuyến đi biển/năm. Mỗi chuyến đi khoảng nửa tháng, doanh thu trung bình đạt 200 triệu đồng. Nhờ vươn khơi đánh bắt ở các ngư trường lớn nên hiệu quả thu được mỗi chuyến đi biển cao giúp gia đình có nguồn vốn trả nợ cho ngân hàng.
Còn ông Trần Xuân Lâm, xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy (Nam Định) chia sẻ, gia đình ông vay hơn 13,6 tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại trên địa bàn đóng tàu vỏ thép, công suất 829 CV. Từ khi hạ thủy, đi vào hoạt động (tháng 11/2016), trung bình mỗi chuyến đi biển khoảng 15 ngày cho doanh thu trên 150 triệu đồng.
Từ khi đóng tàu vỏ thép, ông Lâm đã tham gia hiệp hội nghề cá tại địa phương. Các hội viên trong hiệp hội luôn đồng hành, trợ giúp nhau trong quá trình hoạt động trên biển, tuân thủ các quy định về khai thác, đánh bắt và sẵn sàng tham gia các hoạt động bảo vệ chủ quền biển đảo.
Đồng hành cùng ngư dân
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan, Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản là chủ trương mang tính đột phá, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của đông đảo ngư dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tái cơ cấu ngành thủy sản phát triển bền vững.
Nhờ những chính sách phát triển thủy sản đã tạo động lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư đóng mới tàu vỏ thép công suất lớn. Ngư dân mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, ngư lưới cụ hiện đại và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật khai thác, công nghệ bảo quản hải sản để nâng cao hiệu quả…
Tuy nhiên, từ thực tế cũng đã phát sinh những khó khăn vướng mắc như ngư dân lần đầu tiếp cận với việc đóng mới, vận hành tàu cá vỏ thép nên còn lúng túng trong việc giám sát, duy tu bảo dưỡng.
Một số tàu bị rỉ sét cục bộ, hỏng máy phát điện, chân vịt, tời hoạt động không ổn định gây thiệt hại cho ngư dân. Một số chủ tàu đã được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt đóng mới tàu cá vỏ thép nhưng không tiếp cận được với các ngân hàng thương mại để vay vốn.
Giá dầu liên tục tăng, giá hải sản không ổn định, chi phí vận hành tàu vỏ thép lớn, trình độ một số ngư dân còn hạn chế nên việc tiếp thu kiến thức, kỹ năng sử dụng, vận hành tàu vỏ thép và các thiết bị hiện đại còn chưa thuần thục, ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác. Đối với các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, hiện nhà nước chưa có quy định về việc kinh doanh xăng dầu trên biển nên quá trình hoạt động gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, từ đầu năm 2018 nguồn lợi hải sản suy giảm, sản lượng bình quân mỗi chuyến đi biển chỉ đạt dưới 1 tấn cá khiến các tàu không đủ chi phí nên liên tục phải tìm kiếm ngư trường mới, mở rộng vùng khai thác…
Để đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho ngư dân và thực hiện Nghị định 17, ngày 2/2/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67, tỉnh Nam Định yêu cầu các cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương ven biển hướng dẫn triển khai chính sách bảo hiểm, đào tạo thuyền viên theo quy định mới; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí duy tu, bảo dưỡng định kỳ tàu cá vỏ thép.
Cùng với đó, UBND tỉnh hướng dẫn các địa phương triển khai chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư; phối hợp với các huyện, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Nam Định thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu mới trong trường hợp chủ tàu cũ không còn khả năng thực hiện dự án đóng mới, nâng cấp hoặc chủ tàu đã hoàn thành đóng mới nhưng không đủ năng lực để hoạt động khai thác hải sản.
Hiện tỉnh Nam Định đang kiểm tra, rà soát 10 hồ sơ xin đóng mới tàu cá hưởng chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư theo Nghị định 17 của Chính phủ. UBND tỉnh Nam Định đã công bố 16 cơ sở đóng tàu đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu vỏ thép trên địa bàn.