Ngư dân vận chuyển nhu yếu phẩm lên tàu chuẩn bị ra khơi tại cảng cá Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN |
Phát biểu khai mạc, ông Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Khoa học Kỹ thuật Việt - Đức cho rằng, hội thảo nhằm góp phần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong lĩnh vực ứng dụng truyền thông và định vị cho sự phát triển kinh tế hàng hải và giảm thiểu các thảm họa. Đây là một trong những nội dung mà nhiều đơn vị thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội tập trung nghiên cứu.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Thao, Bộ Tham mưu Hải quân giới thiệu về đề tài nghiên cứu, nhận dạng, phân loại và định vị thụ động mục tiêu ngầm bằng hệ thống sonar (định vị bằng công cụ thủy âm). Theo ông Nguyễn Văn Thao, việc xác định mục tiêu bằng sóng âm, từ đó xác định các hướng nghiên cứu ứng dụng trong định vị và nhận dạng sinh vật biển sẽ phục vụ cho việc đánh bắt hải sản; đo đạc các thông tin khí tượng trên biển; phục vụ tìm kiếm cứu nạn, phát hiện và nhận dạng, theo dõi và giám sát từ xa các hoạt động xâm nhập dưới nước...
Ngoài ra, để tăng cường mức độ an toàn của việc hải hành trên các tuyến hàng hải quốc tế và nội địa, phòng ngừa các tai nạn xảy ra trên biển, nâng cao hiệu quả các hoạt động kinh tế trên biển, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia cũng như đáp ứng yêu cầu của các tổ chức quốc tế thì việc đầu tư, thiết lập các hệ thống thông tin phục vụ đảm bảo an toàn hàng hải và hệ thống thông tin thiên tai - cứu hộ cứu nạn là rất cần thiết và quan trọng.
Bên cạnh đó, đề tài tìm kiếm và cứu hộ trên biển bằng tàu cứu hộ chạy năng lượng sóng biển của kỹ sư Lê Vĩnh Cẩn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng được các đại biểu thảo luận; đóng góp những ý kiến phát triển về mạng lưới thông tin và định vị, áp dụng cho nhiều ngành kinh tế biển, các hoạt động nghiên cứu tự nhiên và môi trường trên biển Việt Nam, các giải pháp thông tin và định vị tiên tiến, quản lý năng lượng và ra-đa, công nghệ sonar và các công nghệ xử lý tín hiệu, thông tin tiên tiến khác.