Ngư dân gặp khó khăn do giá hải sản xuống thấp

Giá nhiên liệu tăng cùng với việc thiếu thuyền viên nên hiện chỉ có trên 50% tàu thuyền tỉnh Bình Định ra khơi khai thác. Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến sức mua hải sản giảm và đẩy giá mặt hàng này xuống thấp nên ngư dân gặp nhiều khó khăn.

Chú thích ảnh
Giá hải sản thấp trong thời gian gần đây là do tình hình dịch COVID-19 khiến sức tiêu thụ giảm đáng kể.

Khai thác trên biển từ hơn một tháng nay, tàu cá của anh Nguyễn Văn Siêng cùng với 7 thuyền viên đã cập cảng Quy Nhơn để bán hải sản rồi làm thủ tục ra khơi trở lại.

Tuy nhiên, do hải sản được các đầu nậu thu mua với giá thấp, trong khi đó chi phí nhiên liệu và nhân công lại cao nên chuyến biển vừa rồi anh Siêng không có lãi, phải trông chờ vào chuyến tiếp theo. 

Anh Siêng cho biết, tàu cá của anh trước đây có 10 thuyền viên nhưng nay chỉ còn 7 người nên khai thác gặp khó khăn. Hải sản khai thác được lại bán giá rẻ, trong khi giá nhiên liệu tăng nên chuyến biển vừa rồi dù thu được 550 triệu nhưng chi phí gần như hết.

“Như mực xà loại trung trước có giá 20.000 đồng/kg thì nay còn từ 10.000-12.000 đồng/kg. Hay cá nục trước từ 160.000-180.00 đồng/khay (1 khay bình quân 17-18 kg), nay chỉ còn 120.000 đồng/khay. Trong khi đó, giá dầu nay đã lên 16.600 đồng/lít. Còn thuyền viên trước tôi trả 10 triệu đồng/tháng nhưng mùa dịch này phải trả 12 triệu đồng/tháng”, anh Siêng cho biết.

Giá thu mua hải sản thấp trong thời gian gần đây là do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến sức tiêu thụ giảm đáng kể. Nhiều chủ tàu tại Bình Định không muốn ra khơi nhưng để giữ chân thuyền viên nên phải đi đánh bắt. Còn các đầu nậu cũng không mặn mà với việc thu mua hải sản vì sợ không bán được.

Anh Nguyễn Tiến Trung, thuyền viên cho biết, tàu anh có tổng cộng 13 thuyền viên, đi làm ăn chia với chủ tàu. Tuy nhiên, hiện nay do giá hải sản xuống thấp, giá xăng dầu và nhiều chi phí khác tăng nên chuyến biển vừa rồi bị lỗ.

Chú thích ảnh
Vì sức tiêu thụ trên thị trường giảm nên đầu nậu ưu tiên thu mua các loại hải sản phơi khô để bảo quản trong kho.

Anh Trung nói: “Chi phí cho một chuyến biển tàu là 250 triệu đồng nhưng chuyến vừa rồi chỉ thu được gần 200 triệu. Tuy nhiên, anh em vẫn chuẩn bị ra khơi với hy vọng chuyến biển tới sẽ có lãi, giữ ổn định ngày công lao động cho mọi người”.

Theo chị Nguyễn Thị Cốc, một đầu nậu thu mua thủy sản tại thành phố Quy Nhơn, hiện nay hầu hết các loại hải sản từ tươi sống đến phơi khô đều bị rớt giá. Nguyên nhân vì tình hình dịch bệnh nên sức mua trên thị trường tụt giảm. Chị là một trong số ít đầu nậu còn đi thu mua hải sản hiện nay để giữ chân bạn hàng.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, trong 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh đạt trên 125.000 tấn, tăng 2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, sản lượng khai thác cá ngừ đại dương chỉ đạt gần 7.000 tấn, giảm 4,6% so với cùng kỳ.

Chú thích ảnh
Thuyền viên của tàu QNg 94257 (quê Quảng Ngãi, cập cảng Quy Nhơn để tránh dịch) chuẩn bị ngư lưới cụ tiếp tục ra khơi bám biển.

Dự báo trong thời gian tới, nếu dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, sản lượng khai thác hải sản sẽ giảm. Từ tháng 7-10/2021, dự kiến khai thác được gần 40.000 tấn hải sản các loại và sản lượng này cũng cần có giải pháp hỗ trợ tiêu thụ.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Bình Định cho biết, hiện nay nguồn lợi thủy sản tại địa phương cũng ít dần nên sản lượng khai thác không còn cao và luôn tăng như trước đây. Bên cạnh đó, do dịch bệnh nên vấn đề kiểm soát ra vào cảng thắt chặt hơn nên nhiều tàu cá cũng ngại ra biển khai thác.

Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định phối hợp với Sở Công Thương đã xây dựng phương án tiêu thụ thủy sản cho ngư dân khi dịch bệnh kéo dài. Trước mắt, khuyến khích các công ty chế biến hàng đông lạnh xuất khẩu tiến hành thu mua thủy sản để chế biến ngay hoặc bảo quản. Sau đó, tăng cường xúc tiến thương mại và hỗ trợ phương tiện vận chuyển trên nhu cầu thực tế.

Tin, ảnh: Tường Quân (TTXVN)
Hỗ trợ người lao động ảnh hưởng bởi dịch kịp thời, đúng đối tượng
Hỗ trợ người lao động ảnh hưởng bởi dịch kịp thời, đúng đối tượng

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Long An Nguyễn Đại Tánh cho biết, triển khai Nghị quyết của Chính phủ, từ ngày 12/7 đến sáng 19/7, Long An đã hỗ trợ 14.567 người lao động tự do, với tổng kinh phí gần 11 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN