Ngư dân Quảng Bình trúng mùa ruốc biển

Những ngày qua, ngư dân các địa phương của tỉnh Quảng Bình phấn khơi trúng mùa ruốc biển. So với những năm trước, năm nay ruốc biển đến sớm và xuất hiện nhiều nên mang lại nguồn thu đáng kể cho ngư dân địa phương.

Người dân kéo ruốc tại bãi biển phường Quảng Thọ. Ảnh: Đức Thọ - TTXVN

Tranh thủ những ngày nghỉ sau chuyến ra khơi dài ngày, anh Nguyễn Văn Bằng ở thôn Đức Trung, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch lại cùng bạn thuyền của mình giông thuyền nhỏ khai thác hải sản vùng lộng để có thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Anh Bằng cho hay, chỉ riêng trong 2 ngày qua, thuyền của anh đã khai thác được gần 3 tạ ruốc, gia đình giữ lại 1 tạ để phơi khô làm thực phẩm tích trữ, số còn lại bán ra thị trường với giá khoảng 8.000 đồng/kg, cho thu nhập hơn 1,5 triệu đồng.

Bên con thuyền nhỏ, niềm vui cứ ánh lên trên đôi mắt người của anh ngư dân trẻ tuổi. Anh nói: “Mới đầu mùa, nhưng ruốc xuất hiện khá nhiều, có thuyền trúng đậm từ 2 - 4 tạ/thuyền/ngày, cho giá trị kinh tế và thu nhập cao. Biển đã hồi sinh trở lại, anh em ngư dân rất phấn khởi và hy vọng một mùa biển bội thu”.

Cả cuộc đời gắn bó với biển cả, lão ngư Lê Văn Thân ở xã biển Đức Trạch, huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) cho biết, ruốc biển nhiều nơi gọi là tép biển. Mùa ruốc biển ở đây thường bắt đầu từ tháng 7 âm lịch và kéo dài từ 2 đến 3 tháng. Tuy nhiên, ruốc biển có thể xuất hiện sớm hoặc muộn hơn do ảnh hưởng và thay đổi của thời tiết, môi trường sống, đặc trưng mỗi địa phương...

Chia sẻ thêm về nghề khai thác ruốc biển, lão ngư Lê Văn Thân cho hay, kỹ thuật khai thác ruốc biển không cầu kỳ và phức tạp như những nghề biển khác, vật dụng và nguyên liệu khai thác cũng khá đơn giản. Ruốc biển thường xuất hiện nhiều ở vùng biển lộng và chỉ cần khoảng hai người là có thể khai thác được. So với những nghề khác thì ruốc biển được người dân ưa dùng nên tiêu thụ dễ dàng và cho thu nhập khá cao. Ngoài nguồn thực phẩm tươi sống, ruốc biển còn được chế biến thành nhiều dạng như làm ruốc quết, muối mắm, ruốc phơi khô hay kết hợp với các món ăn khác rất độc đáo, ngon và là thực phẩm đặc trưng của các địa phương vùng biển nơi đây.

Người dân kéo ruốc tại bãi biển phường Quảng Thọ. Ảnh: Đức Thọ - TTXVN

Nhiều năm nay, gia đình bà Lê Thị Lý ở xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch chủ yếu thu mua thủy hải sản của ngư dân địa phương để chế biến sản xuất nước mắm và các thực phẩm khác từ biển. Các sản phẩm của gia đình bà được người dân trong và ngoài vùng biển tin dùng không chỉ vì giá rẻ mà còn chất lượng luôn đảm bảo. Những ngày qua, gia đình bà Lý đã mua của ngư dân địa phương gần 3 tấn ruốc biển để phơi khô và muối mắm ruốc.


Giữa cái nắng rát bổng, bà Lê Thị Lý luôn tay đảo ruốc đang phơi giữa sân, vừa làm bà vừa giải thích, trời nắng càng to thì ruốc càng nhanh khô và dòn, nếu được nắng thì chỉ cần phơi hai lần là có thể cất trữ được vài tháng, thậm chí là cả năm. Ruốc biển sống ở vùng nước mặt, có màu trắng hồng, không bị nhiễm độc tố và rất tươi ngon. Theo giá thị trường, nếu ngày thường giá ruốc tươi dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, bước vào mùa ruốc biển năm nay giá có giảm, chỉ còn từ 6.000 đồng - 10.000 đồng/kg. Ruốc tươi thu mua về, sau khi trải qua các công đoạn như: muối, ép nước, xay ruốc, phơi nắng để ruốc có đủ độ chín sẽ tạo ra ruốc quết thành phẩm, bán với giá từ 30.000 - 50.000 đồng/kg. Món ruốc quết này dùng làm nước chấm các loại rau, củ luộc, bún bánh hay chế biến cùng các món khác đều rất thơm ngon và lạ miệng.

Quảng Bình là một trong những tỉnh có vùng biển rộng và bờ biển dài, hội tụ được nhiều lợi thế về tiềm năng kinh tế biển; đồng thời có nguồn lợi hải sản trên biển khá dồi dào và đa dạng. Ruốc biển là một trong những nguồn lợi tự nhiên xuất hiện hàng năm ở vùng biển lộng. Vào mùa, ruốc biển xuất hiện nhiều, dễ khai thác và cho giá trị kinh tế cao nên ngư dân địa phương coi đây là “lộc biển”. Chính vì thế, bao đời nay ngư dân Quảng Bình luôn gắn bó với biển và ngày càng nâng cao ý thức trong vấn đề khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi hải sản và môi trường biển của quê hương.

Võ Dung (TTXVN)
Đồng hành cùng ngư dân vươn khơi bám biển
Đồng hành cùng ngư dân vươn khơi bám biển

Trong 2 ngày 3 - 4/8, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 tổ chức Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” trên địa bàn huyện đảo Cồn Cỏ và xã Triệu An, huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN