Theo Vụ Nuôi trồng thủy sản, Việt Nam hiện có hơn 800 loài rong biển, gồm rong đỏ, rong lục, rong nâu, rong lam với trữ lượng tự nhiên từ 80 - 100 tỷ tấn. Hiện diện tích nuôi trồng rong biển ở Việt Nam trên 10.000 ha, đạt sản lượng hơn 101.000 tấn tươi/năm.
Rong biển được nuôi trồng tập trung ở các vùng ven biển, Bắc Bộ gần 6.600 ha, Bắc Trung Bộ hơn 2.000, Nam Trung Bộ 1.400 ha và đồng bằng sông Cửu Long 100 ha.
Rong biển được dùng làm nguyên liệu cho rất nhiều ngành công nghiệp để chế biến ra các sản phẩm có giá trị sử dụng cao. Sản phầm này là một trong loại hàng hóa có nhiều triển vọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển tại Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường cùng với việc khai thác quá mức, khai thác tận diệt đã làm suy giảm nguồn lợi rong biển tự nhiên.
Đại diện Viện Nghiên cứu Hải sản cho rằng, việc khai thác các loại rong biển như rong mơ, rong câu..., ngoài tự nhiên cần phải đúng mùa vụ và kỹ thuật thì mới nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm và bảo vệ nguồn lợi; đồng thời, cần xây dựng một số khu bảo vệ nguồn lợi rong biển kết hợp với các khu bảo tồn thiên nhiên biển để bảo vệ nguồn gen tự nhiên của rong biển.
Đối với nghề nuôi trồng rong biển, các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, cần mở rộng diện tích nuôi trồng trên phạm vi toàn dải ven biển, ven đảo; tăng cường ứng dụng kỹ thuật cao vào sản xuất để nâng cao sản lượng và chất lượng rong biển; phát triển ngành công nghiệp chế biến rong biển theo hướng đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm.
Ông Lê Nhứt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đại Dương, đơn vị nghiệp chuyên nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu rong biển chia sẻ, nuôi trồng rong biển cho hiệu quả kinh tế rất cao, rủi ro ít nhưng cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Để nghề nuôi trồng rong biển phát triển bền vững, nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vay vốn ưu đãi, đồng thời có chính sách khuyến khích các hộ nuôi trồng rong biển nhỏ lẻ, liên kết với nhau để sản xuất theo chuỗi giá trị.