Nghề vớt rong biển ở Ninh Thuận

Nghề vớt rong biển của người dân thôn Vĩnh Trường (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) có từ mấy chục năm nay. Khoảng 5 - 6 năm gần đây, nghề này mang lại thu nhập khá cho người dân.

Ngoài các loại rong mơ, rong mền, rong xanh, người dân còn thu được rong chân vịt, rong câu. Các loại rong này có nhiều tại các vùng biển dọc xã Phước Dinh, Phước Diêm, Cà Ná (huyện Thuận Nam), nhưng tập trung nhiều ở vùng biển thôn Vĩnh Trường.

Ông Nguyễn Thành Du, Trưởng thôn Vĩnh Trường cho biết: Rong có quanh năm, mùa thu hoạch cao điểm nhất là từ tháng 4 đến tháng 7 âm lịch. Rong từ ngoài biển trôi dạt vào các rạn gần bờ, khi nước biển cạn, người dân bắt đầu đi vớt. Ở thôn Vĩnh Trường, bên cạnh nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, tất cả những hộ dân trong thôn đều tranh thủ vớt rong biển để kiếm thêm thu nhập. Bình quân, mỗi người vớt được khoảng 150 kg rong tươi/ngày, thu nhập 150.000 đồng. Hàng ngày, hàng trăm người dân từ các thôn Hòa Thạnh, Nam Cương, Tuấn Tú, Hòa Thủy (huyện Ninh Phước), Mỹ Tường (Ninh Hải) cũng đổ về đây để vớt rong.

Thu hoạch rong sụn ở Phước Diêm (Ninh Phước, Ninh Thuận). ảnh: Xuân Trường - TTXVN


Theo bà Nguyễn Thị Hạnh (thôn Hòa Thủy, xã Phước Hải, Ninh Phước), mỗi ngày, vợ chồng bà vớt được khoảng 5 tạ rong tươi, đem phơi khô, bán cho chủ vựa với giá 5.000 đồng/kg rong mơ và 3.000 đồng/kg rong mơ có lẫn các loại rong khác. Rong mền phơi khô thường bán được 1.500 - 1.700 đồng/kg, cũng có khi bán tươi với giá 700 đồng/kg; rong xanh tươi có giá 1.700 đồng/kg; rong chân vịt thành phẩm 100.000 đồng/kg. Bình quân, vợ chồng bà thu khoảng 300.000 đồng/ngày. Bà Hạnh cho biết thêm: “Có những ngày rong dạt vào bờ nhiều, người dân không cần lội xuống biển, chỉ cần đứng trên bãi cát để vớt rong cũng kiếm được ba, bốn trăm ngàn đồng".

Bà Nguyễn Thị Mật - một chủ vựa ở thôn Vĩnh Trường, với hơn 40 năm làm nghề thu mua rong, chia sẻ: Nghề này vất vả nhưng thu nhập khá. Bình quân, bà mua 10 - 15 tấn rong/ngày, trừ chi phí còn lãi từ 3 - 5 triệu đồng/ngày. Sau khi mua của người dân, các thương lái ở Nha Trang đến gom lại và chở về nhà máy để chế biến nước giải khát, thức ăn gia súc, phân bón. Ngoài nguồn thu từ các loại rong mơ, rong mền, rong xanh, rong chân vịt, người dân ở đây còn có nguồn thu từ nghề nuôi trồng rong câu, mỗi kg thành phẩm bán được 35.000 đồng. Loại rong này thường được dùng để nấu đông sương.

Ông Phạm Văn Nên, Chủ tịch UBND xã Phước Dinh cho biết, nhờ nghề vớt rong biển, nhiều hộ dân đã có thêm việc làm trong thời gian nhàn rỗi, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Lan Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN