Những ngày này, Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi lập Đoàn công tác trực tiếp giám sát quy trình kiểm soát, đăng ký, kiểm chứng con người, phương tiện tàu cá ra, vào khu vực biên giới biển tại 10 trạm kiểm soát biên phòng. Cụ thể, Đoàn đã kiểm tra việc thực thi các quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp đối với chủ tàu, thuyền trưởng hoạt động tại các cửa sông, cửa lạch. Đối với các đồn và hải đội biên phòng, kiểm tra hoạt động tuần tra trên biển, việc xây dựng các kế hoạch nghiệp vụ về đấu tranh, ngăn chặn phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)..., chấm dứt tình trạng tàu cá Quảng Ngãi vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.
Ngư dân Trần Vàng, Thuyền trưởng tàu cá QNg 98729 TS, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, chia sẻ: Ông đã từng bị phạt 25 triệu đồng và tước bằng thuyền trưởng 4 tháng do không duy trì thiết bị giám sát hành trình hoạt động. Từ ngày được nhận lại bằng để tiếp tục ra khơi, ông luôn chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật.
Trung tá Lâm Văn Viễn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sa Kỳ, thành phố Quảng Ngãi, cho biết: "Chúng tôi đã bố trí 2 lực lượng: Trên ca nô và kiểm tra, kiểm soát tại trạm. Đối với tàu cá, khi đi hành nghề phải vào trạm để làm thủ tục. Đối với phương tiện không đảm bảo giấy tờ, chúng tôi kiên quyết yêu cầu chủ tàu quay trở về. Nếu phương tiện không đủ điều kiện nhưng cố tình vượt trạm để đi hành nghề thì có lực lượng ca nô bố trí cửa sông ngăn chặn và yêu cầu họ quay trở lại".
Tại huyện Bình Sơn, đến nay vẫn còn 23 tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), trong đó có 7 tàu cá đã nằm bờ từ 4 - 5 năm. Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ung Đình Hiền, cho biết: Đối với 7 tàu cá đã nằm bờ nhiều năm nay, UBND huyện kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh xóa tên tàu cá trong sổ đăng ký tàu cá quốc gia và đưa ra khỏi danh sách quản lý tàu cá của tỉnh. UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban chức năng và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là chú trọng đến nhóm bà con ngư dân còn tồn tại trong việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; phân loại thống kê rà soát tàu cá để phục vụ công tác quản lý; hỗ trợ kinh phí cho các địa phương, lực lượng tuần tra trên biển.
Tỉnh Quảng Ngãi có 4.544 tàu cá, khoảng .000 ngư dân; trong đó, tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên hoạt động vùng khơi là 3.206 chiếc. Công tác quản lý hoạt động khai thác hải sản của ngư dân trên biển luôn được tỉnh Quảng Ngãi quan tâm, chỉ đạo. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành 100% việc cập nhật dữ liệu tất cả tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia. Việc cấp giấy phép khai thác thủy sản đạt hơn 77%, tỷ lệ đánh dấu tàu cá đạt 97%, tỷ lệ tàu cá lắp đặt thiết bị VMS đạt hơn 98%. Sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng chỉ định chỉ chiếm 6,9% so với sản lượng thủy sản khai thác của địa phương…
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, yêu cầu ngư dân tuân thủ các quy định trong khai thác thủy sản. Song, việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị VMS chưa đạt 100%. Ở giai đoạn "nước rút" này để chuẩn bị làm việc với Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tăng cường hơn nữa công tác phối hợp cùng các ngành, địa phương trong kiểm tra, xử lý đối với các hành vi khai thác IUU...; tập trung tháo gỡ tồn tại, vướng mắc, nỗ lực cao nhất trong thực hiện, đảm bảo 12 đầu việc chống khai thác IUU quy định tại Quyết định số 81/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành 100%.