Là một quốc gia có vùng biển rộng gấp 3 lần diện tích lãnh thổ đất liền và hơn 3.000 đảo lớn nhỏ. Thấy được tiềm năng to lớn này, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) đã thông qua Nghị quyết số 09 ngày 9/2/2007 về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, trong đó nhấn mạnh đến mục tiêu đưa nước ta phấn đấu trở thành một quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.
Tiếp đó, ngày 21/6/2012, Luật Biển Việt Nam được Quốc hội thông qua cũng đề cập đến việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, yêu cầu triển khai thực hiện quy hoạch sử dụng biển.
Nhộn nhịp cảng cá Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh). Ảnh Công Tường/TTXVN |
Trong những năm qua, dựa trên lợi thế về tài nguyên biển, Việt Nam đã đề ra những chủ trương, biện pháp quan trọng nhằm quản lý, bảo vệ, khai thác biển-vùng ven biển và đã đạt được những thành tựu cơ bản, quan trọng.
Tuy nhiên việc phát triển kinh tế biển và bảo tồn tính bền vững của biển Việt Nam còn gặp không ít thách thức, hạn chế. Nếu không hoặc chậm khắc phục sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển hiệu quả và bền vững, cũng như khả năng công nghiệp hóa, hiện đại hóa các ngành kinh tế biển ở Việt Nam.
Thành tựu phát triển kinh tế biển Theo Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, thành tựu rõ nhất về phát triển kinh tế biển của nước ta trong những năm qua đó là quy mô kinh tế biển và vùng ven biển tăng lên. Cơ cấu ngành, nghề thay đổi cùng với sự xuất hiện các ngành kinh tế - dịch vụ mới như khai thác dầu khí, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.
Vùng biển và ven biển có đóng góp lớn vào xuất khẩu, thu ngoại tệ, chủ yếu là dầu khí và thuỷ sản. Các ngành vận tải biển, đóng và sửa chữa tàu biển, xuất khẩu thuyền viên bước đầu cũng đã đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.
Trong quá trình phát triển kinh tế theo hướng mở, bước đầu đã hình thành 15 khu kinh tế ven biển là các trung tâm phát triển kinh tế hướng biển. Đây là những khu vực phát triển tổng hợp các ngành, nghề biển như hậu cần nghề cá, công nghiệp gắn với cảng biển và vận tải biển, du lịch biển, đô thị hóa và nghiên cứu khoa học về biển,...
Đồng thời, Việt Nam đã có bước phát triển mới ở một số hải đảo, vai trò kinh tế của các đảo tăng lên rõ rệt. Hiện trong 12 huyện đảo thì 66 đảo có dân sinh sống với tổng số trên 155 nghìn người, mật độ dân số trung bình trên các đảo là 95 người/ km2, kết cấu hạ tầng trên các đảo được tăng lên rõ rệt, hình thành hệ thống giao thông trên đảo, nhiều đảo gần bờ có điện lưới, đảo xa bờ có máy phát điện, điện mặt trời và cơ sở cung cấp nước ngọt.
Một số đảo sẽ phát triển thành những trung tâm kinh tế hướng biển như Vân Đồn, Cát Hải, Côn Đảo, Phú Quốc... Công tác điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên, môi trường biển đã được quan tâm hơn. Các kết quả điều tra nghiên cứu về biển đã cung cấp những hiểu biết khái quát đặc trưng về điều kiện tự nhiên và tài nguyên biển. Đặc biệt, Việt Nam đã chú ý thực hiện các cam kết quốc tế và đẩy mạnh công tác bảo tồn biển.
Hệ thống thể chế quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo từ Trung ương xuống địa phương bước đầu đã được thiết lập. Hệ thống chính sách, pháp luật, các quy phạm về công tác điều tra tài nguyên, quản lý môi trường biển đã được xây dựng để phục vụ quản lý ngành.
Cụ thể ngày 6/3/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 25/2009 về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, được xem là văn bản chính sách đầu tiên đề cập đến cách tiếp cận quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo. Các ngành và địa phương đã xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của ngành, lĩnh vực liên quan đến biển.
Người dân tấp nập buôn, bán cá ở cảng cá Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh). Ảnh Công Tường/TTXVN |
Việt Nam cũng đã ký kết và tham gia nhiều điều ước, công ước quốc tế về biển; một số thỏa thuận trên biển với các nước láng giềng nhằm duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển trong khu vực Biển Đông. Tiêu biểu là tham gia ký kết các văn kiện mang tính chất quốc tế và khu vực về Biển Đông như Phương thức ứng sử đa phương (DOC), Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982; triển khai một số dự án hợp tác song phương và đa phương với các nước liên quan.
Còn nhiều thách thức Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, phát triển kinh tế biển và bảo tồn tính bền vững của biển Việt Nam còn gặp không ít thách thức, hạn chế. Nếu không hoặc chậm khắc phục sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển hiệu quả và bền vững, cũng như khả năng công nghiệp hóa, hiện đại hóa các ngành kinh tế biển.
Trước hết là nhận thức về vai trò, vị trí của biển và kinh tế biển của các cấp, các ngành, các địa phương ven biển và người dân còn chưa đầy đủ; quy mô kinh tế biển còn nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý; chưa chuẩn bị điều kiện để vươn ra vùng biển quốc tế.
Cơ sở hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo còn yếu kém, lạc hậu, manh mún, thiết bị chưa đồng bộ nên hiệu quả sử dụng thấp. Các cảng biển, thiếu hệ thống đường bộ cao tốc chạy dọc ven biển để nối liền các thành phố, khu kinh tế, khu công nghiệp, sân bay ven biển nhỏ bé thành một hệ thống kinh tế biển liên hoàn.
Hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học-công nghệ biển, đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển; các cơ sở quan trắc, dự báo, cảnh báo biển, thiên tai biển, các trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn,... ở ven biển còn nhỏ bé, trang bị thô sơ. Các phương thức quản lý biển mới, tiên tiến còn chậm được nghiên cứu áp dụng. Đặc biệt ít chú ý nghiên cứu công nghệ biển tiên tiến.
Tình hình khai thác, sử dụng biển và hải đảo chưa hiệu quả, thiếu bền vững do khai thác tự phát, không tuân thủ quy hoạch biển, đảo, làm nẩy sinh nhiều mâu thuẫn lợi ích trong sử dụng đa ngành ở vùng ven biển, biển và hải đảo. Phương thức khai thác biển chủ yếu vẫn dưới hình thức sản xuất và đầu tư nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu.
Còn nghiêng về ưu tiên khai thác tài nguyên biển ở dạng vật chất, không tái tạo, các giá trị chức năng, phi vật chất và có khả năng tái tạo của các hệ thống tài nguyên biển còn ít được chú trọng. Ngày càng nhiều chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển đổ ra biển, một số khu biển ven bờ bị ô nhiễm, hiện tượng thuỷ triều đỏ xuất hiện ngày càng nhiều với quy mô rộng.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng, biển, đảo và vùng ven biển nước ta vẫn chủ yếu được quản lý theo cách tiếp cận mở kiểu “điền tư, ngư chung” và chủ yếu quản lý theo ngành thông qua các luật pháp, chính sách ngành. Điều này dẫn đến sự chồng chéo về quản lý giữa khoảng 15 bộ ngành về biển, chính sách quản lý thiếu đồng bộ, trong các luật hiện có không ít điểm chồng chéo, hiệu lực thi hành thấp.
Sự tham gia của cộng đồng địa phương vào tiến trình quản lý còn rất thụ động, chưa làm rõ vấn đề sở hữu, sử dụng đất ven biển và mặt nước biển cho người dân địa phương ven biển. Công tác kiểm tra, kiểm soát, cấp và thu hồi giấy phép sử dụng, khai thác tài nguyên biển chậm được triển khai trong lĩnh vực quản lý tài nguyên biển.