Lãnh đạo thành phố Phú Quốc cho biết, trong số những dự án đầu tư vào đảo Phú Quốc trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội thì du lịch, dịch vụ, đô thị thu hút phần lớn các dự án đầu tư, góp phần cho Phú Quốc được công nhận là đô thị loại II và trước đó là huyện loại I.
Đến nay, đã có các tập đoàn kinh tế lớn như: Vingroup, Sungroup, BIMgroup, CEOgroup, MIKgroup, Milltol… đầu tư vào Phú Quốc, góp phần cho kinh tế của thành phố tăng trưởng nhanh trong thời gian gần đây, mở ra giai đoạn phát triển mới cho Phú Quốc.
Cụ thể là trong 5 năm qua, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành thương mại - dịch vụ trên 19%/năm, cao gấp 2 lần của tỉnh; huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 141.652 tỷ đồng, vượt 57% so với kế hoạch; thu ngân sách tăng bình quân 19%/năm, chiếm hơn 40% tổng thu của tỉnh.
Du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, lượng khách bình quân mỗi năm tăng 28%; trong đó khách quốc tế tăng hơn 45%, đặc biệt có nhiều thương hiệu du lịch lớn trên thế giới đã góp mặt tại Phú Quốc.
Hàng chục dự án công trình lĩnh vực du lịch quy mô lớn, hiện đại đã hoàn thành đưa vào khai thác, nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp đi vào hoạt động phục vụ du khách trong nước và quốc tế; khu đô thị du lịch phức hợp Bãi Trường đang dần hình thành, góp phần tạo nên diện mạo đô thị Phú Quốc ngày càng hiện đại, phát triển ngang tầm khu vực và quốc tế.
Chủ tịch UBND thành phố Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho biết: Các nhà đầu tư đến với Phú Quốc hiện nay đang được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi tốt nhất của Chính phủ cho phép.
Thành phố tiếp tục tích cực phối hợp với các sở, ngành cấp tỉnh đề xuất với Trung ương về cơ chế, chính sách tốt hơn nữa, nhất là những chính sách về tiền thuê đất, sử dụng đất, nhập cảnh... để thu hút các nhà đầu tư vào Phú Quốc, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Phú Quốc phát triển trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước, khu vực Đông Nam Á và quốc tế.
Giai đoạn 2021 - 2025, thành phố Phú Quốc vận dụng tốt, linh hoạt các cơ chế, chính sách, các hình thức huy động vốn, thu hút đầu tư để tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là về giao thông, điện, nước, xử lý chất thải, nước thải, các khu đô thị, khu dân cư - tái định cư, trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện, các thiết chế văn hóa...
Thành phố Phú Quốc mời gọi đầu tư mở rộng Cảng Bãi Vòng, Cảng tổng hợp mũi Đất Đỏ và hồ nước Suối lớn; kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý rác thải, nhà máy và hệ thống thu gom xử lý nước thải với công nghệ hiện đại, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường; mời gọi đầu tư các dự án, công trình ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, cơ sở hạ tầng phục vụ nghề cá phát triển.
Phú Quốc tiếp tục kêu gọi đầu tư có chọn lọc, phát triển cân đối giữa cơ sở lưu trú và các dịch vụ, sản phẩm du lịch mới, tạo sự khác biệt riêng có của Phú Quốc. Kêu gọi đầu tư hạ tầng thương mại, gồm: Trung tâm Thương mại Dương Đông và An Thới, hệ thống siêu thị và các chợ xã.
Cùng với đó, Phú Quốc hỗ trợ tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư để phát triển nông nghiệp trên địa bàn nhằm đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi, nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa, nhất là mời gọi đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nông nghiệp công nghệ cao. Phú Quốc mời gọi đầu tư lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân và khách du lịch theo hướng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh chuyên sâu và quản lý tốt y tế thông minh.