Bà con phơi cá nục. Ảnh minh họa: TTXVN |
Ngành thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế đang từng bước khôi phục sản xuất, đánh bắt trên biển, đồng thời với việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn vùng ven biển, đầm phá, giải quyết việc làm, góp phần ổn định và thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao đời sống ngư dân.
Nghị định 67 của Chính phủ từ khi ra đời đã tiếp thêm động lực cho ngư dân vươn khơi, bám biển phát triển sản xuất, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tỉnh có 1.635 chiếc tàu khai thác thủy sản trên biển; trong đó, 226 chiếc tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ, tăng gần 70 chiếc. Đáng chú ý, ngoài việc cải hoán, đóng mới tàu công suất lớn, ngư dân mạnh dạn đầu tư công nghệ đánh bắt hiện đại để nâng cao hiệu quả đánh bắt.
Nhiều ngư dân ở thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) cho biết, trước khi có Nghị định 67 của Chính phủ, người dân ở đây vẫn loay hoay các nghề truyền thống như vây rút chì, lưới mành, rê… chủ yếu bủa các loại cá nục, thu, mực gần bờ. Nay, sau sự cố môi trường biển do Fomosa gây ra, ngư dân mạnh dạn đầu tư phương tiện đánh bắt xa bờ, với những chuyến bám biển dài ngày đánh bắt hải sản để đánh bắt loại cá có giá trị kinh tế cao.
Từ năm 2015 đến nay, huyện Phú Vang hạ thủy 4 tàu công suất lớn đóng mới theo Nghị định 67, gồm 2 tàu dịch vụ công suất 480 VC; 2 tàu đánh bắt công suất 666 CV và 822 CV với trị giá hàng tỷ đồng/tàu. Dự kiến năm 2016, Phú Vang sẽ đóng mới thêm 6 tàu công suất lớn. Ngư dân Phan Văn Chinh, ở thị trấn Thuận An là người đầu tiên ở Thừa Thiên - Huế mạnh dạn đóng tàu công suất lớn trị giá hơn 8 tỷ đồng. Theo ông Chinh, thực tế chi phí một tàu công suất lớn từ nguyên, nhiên liệu đến lực lượng lao động tăng gấp rưỡi tàu nhỏ, nhưng sản lượng lại tăng từ 3 - 4 lần. Dự kiến năm 2016, sản lượng đánh bắt hải sản xa bờ ở Phú Vang vẫn còn tăng cao (năm 2015 sản lượng đánh bắt ở Phú Vang là 25,6 ngàn tấn, tăng 7 ngang tấn so với năm trước đó).
Ông Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Đi đôi với đánh bắt xa bờ, tỉnh Thừa Thiên - Huế đầu tư cho công nghệ khai thác, bảo quản hải sản hiện đại. Ngư cụ đánh bắt như lưới được đầu tư mở rộng cả chiều dài lẫn chiều cao, nhất là mua sắm thêm ngư cụ đánh bắt cá ngừ đại dương xuất khẩu. Gần đây, tỉnh còn khuyến khích một số ngư dân ứng dụng máy dò cá (dò ngang CH 250) để nâng sản lượng đánh bắt cá tăng gấp đôi so với phương pháp đánh bắt thông thường, đồng thời giảm chi phí sản xuất so với sử dụng các loại máy dò cá khác. Ngư dân nhiều tỉnh sử dụng hầm bảo quản bằng vật liệu PU, mặt hầm tiếp giáp với sản phẩm được bọc inox 304 có tác dụng cách nhiệt tốt, bảo quản trong thời gian dài từ 20 - 30 ngày, sản phẩm vẫn đảm bảo xuất khẩu.
Đối với vùng ven biển và đầm phá, tỉnh tiến hành cấp quyền khai thác mặt nước cho các chi hội nghề cá để ổn định sản xuất và quản lý hiệu quả nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh còn phát triển nuôi trồng theo hướng bền vững như: thả nuôi đúng theo lịch thời vụ, nuôi một vụ ăn chắc; thường xuyên nạo vét hệ thống kênh cấp, thoát nước để chủ động cho việc nuôi trồng thủy sản; bố trí ao lắng cho các vùng nuôi tập trung; sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý nước trong quá trình nuôi.
Huyện Phú Vang hiện có diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 2.650 ha, tăng 494 ha so với năm trước; trong đó có 2.265 ha diện tích nuôi xen ghép thân thiện với môi trường, chiếm 95% diện tích nuôi, cơ bản khắc phục tình trạng dịch bệnh cho các đối tượng tôm, cá nuôi. Tỷ lệ hộ nuôi trồng thủy sản ở Phú Vang có lãi đạt trên 80%; không còn hộ thua lỗ. Các cơ sở chế biến thuỷ sản Phú Thuận, Phú Hải và thị trấn Thuận An tiếp tục phát triển nhờ duy trì, mở rộng quy mô, kết hợp sản xuất nhỏ trong từng hộ gia đình...