Cụ thể, các địa phương đang tập trung nhiều thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo là TP Hồ Chí Minh 47, Cần Thơ 42, Long An 25, Đồng Tháp 19, An Giang 18, Hà Nội 10, Tiền Giang 8, Nghệ An 6, Thái Bình 5, Kiên Giang 4, Sóc Trăng 3, Hưng Yên 3, Vĩnh Long 2, Thừa Thiên Huế 2, Tây Ninh 2, Quảng Bình 1, Lạng Sơn 1, Nam Định 1, Khánh Hoà 1, Hậu Giang 1, Hà Tĩnh 1, Hà Nam 1, Đà Nẵng 1, Cà Mau 1, Bình Dương 1, Bình Định 1, Bạc Liêu 1, Bà Rịa Vũng Tàu 1, Trà Vinh 1.
Theo Bộ Công Thương, 7 tháng qua, cả nước đã xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, còn khoảng 2,67 triệu tấn cho xuất khẩu trong 5 tháng còn lại của năm 2023. Hơn nữa, giá xuất khẩu gạo đã và đang không ngừng gia tăng.
Báo cáo của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, giá chào xuất khẩu gạo của Việt Nam đối với gạo 5% tấm ngày 17/8 tăng 5 USD/tấn so với ngày trước đó, lên mức 628-632 USD/tấn. Giá gạo 25% tấm cũng từ mức 603-607 USD/tấn vọt lên mức 608-612 USD/tấn.
Trong khi đó, đối với Thái Lan, sau khi giảm 28 USD/tấn vào ngày 16/8 so với ngày 10/8 với cả gạo 5% và 25% tấm, mức giá vào ngày 17/8 so với ngày trước đó tiếp tục giảm thêm 10 USD/tấn đối với gạo 5% tấm và 7 USD/tấn đối với gạo 25% tấm.
Như vậy, giá gạo 5% tấm ngày 17/8 của Thái Lan chỉ còn 613-617 USD/tấn, trong khi giá gạo 25% là 561-565 USD/tấn.
Với mặt bằng giá mới được thiết lập vào ngày 17/8, gạo 5% tấm của Việt Nam cao hơn của Thái Lan 15 USD/tấn và gạo 25% tấm cao hơn 47 USD/tấn.
Nhằm tạo điều kiện nhất cho hoạt động xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương đang khẩn trương lấy ý kiến để sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 15/8/2023 về tăng cường thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay.
Trong đó, giao nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương, Sở Công Thương các địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và thương nhân tập trung triển khai các nhóm giải pháp.
Cụ thể, về hoàn thiện thể chế, khẩn trương rà soát, hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho cơ chế xuất khẩu gạo, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và thuận lợi cho thương nhân xuất khẩu gạo.
Đối với việc tìm kiếm, thông tin và phát triển thị trường, tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu lớn và kịp thời thông tin tới các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động, điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo, bảo đảm phù hợp, hiệu quả.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các chương trình, hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại gạo phù hợp với tình hình mới để nâng cao giá trị sản phẩm gạo của Việt Nam.
Ngoài ra, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khai thác tốt cơ chế ưu đãi của các FTA mà nước ta là thành viên để chủ động đàm phán với các đối tác nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường mới, tiềm năng và nâng cao tính cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam.
Cùng đó, hướng dẫn, hỗ trợ thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; khả năng đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu và xử lý có hiệu quả tranh chấp thương mại quốc tế.