4 nguyên nhân khiến số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng cao

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã đưa ra 4 nguyên nhân khiến số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động trong 9 tháng đầu năm 2018 tăng cao.

Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 9 tháng đầu năm 2018 của cả nước là 11.536 doanh nghiệp, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Riêng trong  quý III/2018 có 4.907 doanh nghiệp giải thể, tăng 48,3% so với quý II/2018 và tăng 49% so với cùng kỳ năm 2017.

Chú thích ảnh
Trong 9 tháng đầu năm 2018, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng mạnh. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Theo Cục Quản lý kinh doanh, việc gia tăng số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động trong 9 tháng chịu sự tác động của các yếu tố khách quan, chủ quan đối với doanh nghiệp cũng như quy luật vận động của nền kinh tế thị trường. Có 4 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.

Thứ nhất, phần lớn doanh nghiệp hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn nhiều hạn chế về năng lực nội tại. Thực tế, những hạn chế cố hữu của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vẫn chưa được giải quyết một cách hiệu quả, dẫn đến năng lực cạnh tranh thấp.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện vẫn thiếu tầm nhìn chiến lược; năng lực quản trị kém, thiếu tư duy về thị trường; trình độ ứng dụng khoa học công nghệ thấp; thiếu tính đổi mới sáng tạo trong sản phẩm.

 Chất lượng hàng hóa, quy mô sản xuất và năng suất lao động của những doanh nghiệo này còn thấp so với các doanh nghiệp nước ngoài. Cùng với đó, với việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, sức ép cạnh tranh lại càng tăng lên đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ hai, môi trường đầu tư kinh doanh đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn tồn tại những hạn chế, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, quy định pháp lý về đầu tư, kinh doanh vẫn còn những chồng chéo, bất cập. 

Quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh vẫn là rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lực như tín dụng, đất đai. Hiện tượng nhũng nhiễu, gây khó dễ cho doanh nghiệp vẫn còn xảy ra...

Thứ ba, đó là quy luật cạnh tranh, thanh lọc, đào thải của thị trường. Trong mọi nền kinh tế thị trường luôn có một tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp bị giải thể, phá sản; việc đào thải, thanh lọc là một quy luật khách quan của nền kinh tế.

Theo đó, những doanh nghiệp yếu kém, không đủ sức cạnh tranh sẽ bị loại bỏ để thay vào đó là những doanh nghiệp mới với những ý tưởng kinh doanh mới có chất lượng hơn. 

Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập, nền kinh tế Việt Nam lại là một nền kinh tế năng động, đang có nhiều triển vọng, khoa học công nghệ không ngừng phát triển như hiện nay thì sức ép đối với doanh nghiệp càng lớn, tính cạnh tranh, thanh lọc càng thể hiện rõ rệt. 

Và cuối cùng, theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng đột biến về số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể là do việc triển khai công tác rà soát đối với các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động tại trụ sở từ lâu nhưng không đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh. Kể từ tháng 4/2018 đến nay, các địa phương trên cả nước đang tích cực triển khai công tác rà soát nhằm loại bỏ các doanh nghiệp đã thành lập từ rất lâu nhưng không còn hoạt động; sau khi rà soát, những doanh nghiệp đó được chuyển sang tình trạng chờ giải thể.
 

Hoàng Linh/Báo Tin tức
Giải thể Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương
Giải thể Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương

Xét đề nghị của Bộ Giao thông vận tải và ý kiến của các Bộ: Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính về việc báo cáo xem xét giải thể Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý về nguyên tắc việc giải thể Hội đồng quản lý Quỹ này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN